22/03/2012 10:21 AM

- Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Phí hạn chế phương tiện chắc chắn sẽ có tác dụng. Người dân sẽ buộc phải lựa chọn phương tiện, thậm chí đi bộ.

‘Phải cấm hẳn xe máy ở HN, TP.HCM’

- Đề xuất thu phí lưu hành đối với phương tiện tham gia giao thông của Bộ GTVT đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện người đi đường đã gánh quá nhiều loại thuế và phí. Vậy thêm phí lưu hành  phải chăng lại đổ thêm gánh nặng  cho dân?

Nói đổ hay không cần phải xem xét. Mọi quyết sách hiện nay để đảm bảo ATGT đều liên quan đến người tham gia giao thông, tức các giải pháp đều cho người dân.

Hiện cả nước có 37 triệu phương tiện, trong đó có 2 triệu ô tô, 35 triệu xe máy. Với dân số gần 90 triệu người thì Việt Nam là quốc gia có tổng số phương tiện trên đầu dân cao bậc nhất thế giới, đặc biệt là xe máy.

Phải có lộ trình giảm xe máy, với Hà Nội, TP.HCM phải cấm hẳn. Đây là lộ trình bắt buộc phải làm, 10-120 năm nữa phải cấm được xe máy, phải thông báo trước cho người dân, người dân cũng cần chia sẻ, ủng hộ.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Sẽ cấm cả xe máy ở Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: Xuân Linh

‘Lẽ ra phải thu phí từ lâu’

- Nhưng nếu Nhà nước vẫn áp phí, trong điều kiện thực tế ở các đô thị lớn của nước ta vẫn chưa có phương tiện công cộng để thay thế thì  người dân không còn cách nào khác phải chấp nhận trả mức phí cao, điều này sẽ gây áp lực cho dân, thưa ông?

Việc này thực hiện việc phải có lộ trình. Trước mắt, phí vào trung tâm nội đô, phí hạn chế phương tiện cá nhân vẫn phải thực hiện ngay. Cùng với đó, Hà Nội, TP.HCM phải đồng thời đầu tư, phát triển phương tiện công cộng. Thủ tướng cũng đã phê chuẩn chiến lược phát triển vận tải hành khách công cộng, giao cho các tỉnh thành làm.

Nếu không thu phí để hạn chế phương tiện ngay thì với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ 3 năm nữa, Hà Nội, TP.HCM sẽ không còn chỗ để xe chứ không nói chỗ để đi nữa.

Đúng ra loại phí này phải thu từ cách đây 10 năm. Nếu làm từ thời điểm đó thì đến giờ 2 thành phố lớn nhất cả nước đã không ùn tắc như thế này.

- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng  thu phí song song với quá trình phát triển phương tiện công cộng    đang “làm ngược”, lẽ  ra phải lo phương tiện thay thế trước rồi mới có thể hạn chế phương tiện cá nhân?

Thực tế đúng ra hạ tầng phải đồng bộ với việc hạn chế phương tiện. Nhưng tất cả những việc này phải làm cùng lúc, không thể nói cái nào trước cái nào sau. Nói thu phí nhưng hạ tầng cứ để thế, phương tiện vận tải công cộng cũng không đầu tư phát triển thêm thì không đúng. Hà Nội, TP.HCM đã và đang đầu tư, mỗi thành phố sẽ mua thêm 1.000 xe buýt. Bộ Tài chính cũng đã quyết định giảm thuế để nhập xe buýt về.

2 thành phố cũng sẽ triển khai ngay năm nay loại hình xe buýt nhỏ để người dân từ trục nhỏ ra trục lớn, hình thành mạng lưới xe buýt.

Còn tàu điện ngầm, tàu điện trên cao cũng đang triển khai nhưng chưa thể hình thành ngay được.

Dân phải lựa chọn

- Nhưng 3 - 5 năm nữa phương tiện vận tải công cộng chắc vẫn chưa thể cải thiện mà nhà nước vẫn áp thuế, phí như vậy sẽ chỉ làm khó cho dân?

Hạn chế phương tiện sẽ có lộ trình, Hà Nội và TP.HCM sẽ có lộ trình cấm cả xe máy. Lộ trình này đến lúc nào thì phải có nghiên cứu và phải xin ý kiến nhân dân .

Nhu cầu của người dân là chính đáng. Nhà nước chỉ đưa ra giải pháp để hạn chế, đảm bảo để việc điều tiết có tác động đến những thành phố lớn trong vấn đề kiềm chế tai nạn và ùn tắc.

Tính bình quân hiện nay, ở các thành phố, mỗi gia đình đã có tối thiếu 2 xe máy. Hôm trước tôi nhận được tin nhắn hỏi “Nhà tôi sau khi mua ô tô thì còn 3 chiếc xe máy, để đấy thôi, không đi đến thì sao bắt tôi nộp phí” hoặc một người khác lại hỏi “Nhà tôi có 4 ô tô, mỗi chiếc nộp mấy chục triệu/năm làm sao chúng tôi chịu được”. Đó là thực tế. Câu chuyện hiện nay với Hà Nội, TP.HCM khi thu phí hạn chế phương tiện là phải lo được phương tiện đi lại khác cho người dân.

- Nhiều người nói rằng đã mất tiền đóng phí thì chủ phương tiện sẽ đi lại nhiều hơn, sẽ khai thác tối đa. Như vậy mục tiêu giảm ùn tắc có đạt được?

Phí hạn chế phương tiện chắc chắn sẽ có tác dụng. Tôi không tin đánh phí mà mức tăng phương tiện vẫn không giảm. Người dân có nhu cầu vẫn phải đi lại nhưng lúc đó sẽ buộc phải lựa chọn phương tiện hợp lý nhất, tuyến đường thích hợp nhất, thậm chí phải đi bộ. Khoảng cách 500m-1km từ nhà ra chợ hiện hầu hết mọi người vẫn leo lên xe máy để rồi tối về lại đi bộ 1-2 km tập thể dục thì rất vô lý. Tới đây vỉa hè thông thoáng sẽ khuyến khích người dân đi bộ.

Phó Thủ tướng: Chủ trương nào cũng có hai mặt

Trả lời báo giới về đề nghị thu phí  hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chủ trương nào cũng có hai mặt của nó, chúng ta thấy rằng ở một đất nước mà quá nhiều phương tiện trong khi tai nạn giao thông tăng như vậy chúng ta cần phải có những biện pháp hữu hiệu. Mọi quyết định quan trọng liên quan đến người dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân”.

Xuân Linh - Gia Văn (ghi)


Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,750

Chính sách mới

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]