Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Quyết định kỷ luật… không thể chờ
Luật sư (LS) Nguyễn Thế Phong - Chủ nhiệm Ủy ban giám sát đạo đức nghề nghiệp (Liên đoàn LS Việt Nam) cho biết, một trong những vấn đề được nhiều LS quan tâm khi thảo luận về dự thảo này là qui định quyết định kỷ luật có hiệu lực ngay khi người có thẩm quyền ký ban hành hay sau khi chờ hết thời gian khiếu nại mà người bị kỷ luật không thực hiện quyền khiếu nại.
Theo Khoản 4, 5 Điều 22 Dự thảo, quyết định kỷ luật LS sẽ có hiệu lực sau khi hết thời hạn khiếu nại (15 ngày) mà LS bị kỷ luật không khiếu nại. Mặc dù qui định này nhằm bảo vệ LS bị kỷ luật, cho họ có thời gian để khiếu nại quyết định kỷ luật liên quan đến mình, song đa số các LS lại không tán thành với qui định này vì cho rằng, quyết định kỷ luật là phải có hiệu lực ngay, nếu để 15 ngày thì quyết định “mất thiêng”, không có tính thực tế, còn người bị kỷ luật vẫn có quyền khiếu nại để bảo vệ lợi ích của mình và được giải quyết theo trình tự, thủ tục khiếu nại.
Các LS cũng đề nghị phải nhấn mạnh đến việc thụ lý vụ việc kỷ luật LS. Qui định tại Điều 17 Dự thảo cho phép trong trường hợp nhận được khiếu nại, tố cáo hay phát hiện hành vi vi phạm của LS thành viên, Ban chủ nhiệm Đoàn LS “nếu thấy có dấu hiệu vi phạm đến mức có khả năng phải xử lý kỷ luật” thì chuyển cho Hội đồng khen thưởng, kỷ luật xem xét, giải quyết.
Nhưng một số LS đồng tình với ý kiến của LS Đào Ngọc Lý (Đoàn LS TP. Hà Nội), rằng, để Ban chủ nhiệm xem xét đánh giá và đưa ra quyết định ban đầu thì rất khó, vì nhận được thông tin còn phải xác minh. Nên nếu có khiếu nại, tố cao hay phát hiện hành vi vi phạm của LS, Ban Chủ nhiệm sẽ chỉ đạo văn phòng Đoàn LS vào sổ theo dõi và chuyển toàn bộ hồ sơ cho hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn LS để xem xét xử lý kỷ luật… “tránh trường hợp ban chủ nhiệm về một lý do nào đó “ém” vụ việc đi” – LS.Lý đề nghị.
Cũng về vấn đề vai trò, trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Đoàn LS trong xử lý kỷ luật LS, một số ý kiến yêu cầu buộc người ra quyết định kỷ luật LS sai, hay làm oan cho LS phải chịu bồi thường vật chất như tinh thần pháp luật về bồi thường nhà nước. Song, đa số LS lại phản đối việc này vì cho rằng Ban chủ nhiệm có nhận lương đâu, nếu sai phải bỏ tiền túi ra đền thì không hợp lý. Mặt khác, quy định như vậy có thể mang lại hệ quả là không Ban chủ nhiệm nào dám “mạnh tay” trong việc xử lý kỷ luật LS để tránh bị bồi thường.
Thực tế hiện nay, việc xử lý kỷ luật LS khó có thể tránh sai sót. Nên nếu có sai thì chỉ cần cải sửa, thông báo công khai mà không yêu cầu trách nhiệm bồi thường của những người tiến hành xem xét và quyết định kỷ luật.
Chung chung sao đòi thống nhất?
Đó là thắc mắc của nhiều LS khi thảo luận về Dự thảo qui định xử lý kỷ luật LS. Theo các LS này, rất nhiều qui định trong dự thảo còn chung chung, không được định lượng sẽ dẫn đến tình trạng, mỗi Đoàn LS có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Như vậy, việc áp dụng thống nhất là không thể và có thể thấy trước là, nếu muốn áp dụng thống nhất những qui định như vậy thì lại phải ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích, định lượng mức độ hành vi để áp dụng các hình thức kỷ luật sau này.
Phân tích Điều 4, LS Trương Trọng Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM) dẫn chứng: tạm hoãn xử lý kỷ luật khi người vi phạm “bệnh nặng và phải điều trị” - nhưng phải định nghĩa thế nào là bệnh nặng… - chứ nếu để “tù mù” như vậy thì “hễ thấy có nguy cơ bị xử lý kỷ luật là ông nhảy vào bệnh viện nằm, mà giờ thì có nhiều loại bệnh viện”, không khó để người vi phạm có điều kiện “lẩn” trách nhiệm…
Huy Anh