Tại phiên phúc thẩm, ngoài Luật sư Trần Văn Đạt – Trưởng văn phòng luật sư Phương Nguyễn tại TP. Phan Thiết – người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 khách hàng là Lê Thị Gái và Lê Thị Em từng bị tòa sơ thẩm tuyên 9 tháng và 6 tháng tù, còn có một số LS khác cũng tham gia bào chữa cho hai bị cáo.
Tại tòa sáng nay, những LS cũng đưa ra một số chứng cứ và quan điểm như ở phiên tòa sơ thẩm hôm 20.4. Theo LS Đạt, ngày 20.4, TAND huyện Bắc Bình xét xử sơ thẩm và tuyên án hai bị cáo nhận 9 tháng và 6 tháng tù giam về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Sau đó, hai bị cáo đều có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Đến ngày 25.7, TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa phúc thẩm nhưng tòa tạm hoãn mà… không rõ lý do, LS Đạt nói.
Chị Lê Thị Gái tại nhà riêng. |
Được biết, vụ án này bắt đầu khi Agribank Bắc Bình cho rằng trong quá trình giao dịch, ngày 10.3.2009 nhân viên ngân hàng đã chi nhầm số tiền 200 triệu đồng cho hai chị em bà Gái nên cử người đến tận nhà hai người này để thu hồi. Tuy nhiên, chị em bà Gái phản đối mạnh mẽ và khẳng định chỉ nhận đúng 100 triệu đồng và không hề nhận dư số tiền 100 triệu của ngân hàng nên không đồng ý trả tiền.
Hai bên thương lượng bất thành, Chi nhánh Ngân hàng này gởi đơn tố cáo hai chị em bà Gái ra cơ quan điều tra công an huyện Bắc Bình. Sau đó, cơ quan này đã bác bỏ vì không đủ chứng cứ… Sau khi VKSND tỉnh Bình Thuận vào cuộc, cơ quan chức năng tiến hành thực nghiệm hiện trường.
Cũng theo LS Đạt, hôm 20.4, VKSND huyện Bắc Bình chỉ dựa vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về băng ghi hình phản ánh độ dày cọc tiền 100 triệu đồng là tiền “thừa” mà bị cáo nhận tại ngân hàng và một đoạn băng ghi âm nghe không rõ ràng, bị cắt ghép cuộc nói chuyện giữa ông Ngô Văn Phong - Giám đốc Agribank Bắc Bình với bị cáo Lê Thị Em là không đủ cơ sở pháp lý để buộc tội hai bị cáo.
Ngoài ra, lời khai của một nhân chứng tại quầy giao dịch cũng có nhiều lời khai rất mâu thuẫn. Mặc khác, phiếu bảng kê vừa không có đóng dấu “đã chi tiền”, lại còn ghi sai: dòng nội dung ghi (bằng số) 99.989.000 đồng, nhưng ở dòng cuối cùng (tổng) ghi bằng chữ là “hai trăm triệu”…
Phiếu ghi có nhiều sai sót do ngân hàng, lại là chứng cứ buộc tội bị cáo. |
Riêng ở phiếu nhập/xuất quỹ vẫn ghi đúng số tiền (bằng số) là 99.989.000 đồng có đóng dấu đã chi. Chưa kể nhân viên ngân hàng này lúc ghi phiếu chi đã không thực hiện theo đúng trình tự qui định của ngành, của pháp luật, LS Đạt cho biết thêm.
Ngày 14.8, trao đổi với PV, chị Lê Thị Gái cho biết hai lần trước ra ngân hàng này rút tiền từ một doanh nghiệp Đồng Nai chuyển trả tiền mua nông sản, mỗi lần rút là 100 triệu đồng. Hai lần đó bà Gái đều nhờ thằng con trai đem chứng minh thư ra ngân hàng nhận dùm tiền do chứng minh thư của bà Gái bị mờ, đều không xảy ra sự cố gì. Đến lần thứ ba thì xảy ra sự cố, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín của gia đình và của hai chị em bà vì ngân hàng cho rằng hai chị em bà nhận dư 100 triệu đồng nhưng không trả lại cho ngân hàng.
Theo chị, hôm 10.3.2009, con trai bà bị bệnh nên bà nhờ em gái là chị Lê Thị Em cùng ra ngân hàng nhận tiền. Sau khi nhận tổng cộng 100 triệu đồng/8 cọc tiền (2 cọc loại tiền có mệnh giá 200.000 đồng/200 tờ và 6 cọc loại tiền có mệnh giá 100.000 đồng/600 tờ, mỗi cọc có 100 tờ) thì hai chị em bà Gái quay về nhà. Đến chiều tối cùng ngày, hai nhân viên ngân hàng là ông Khánh và bà Lưu Thị Liêm (thủ quỷ) đến nhà bà Em xin nhận lại tiền thừa 100 triệu đồng, tức ngân hàng đưa cho họ lúc chiều là 200 triệu đồng.
Tại đây, ông Khánh nói nhỏ với bà Em là chỉ nói nhỏ nghe thôi, đừng có xì xào thông tin ra ngoài. Nhưng bà Em quả quyết chỉ nhận có 100 triệu đồng, không thừa không thiếu một xu nào. Sau đó, hai nhân viên ngân hàng ra về. Đến ngày hôm sau, tức 11.3.2009, ông Phong - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Agrbank Bắc Bình, ông Khánh và bà Diệp (nhân viên ngân hàng) đến nhà bà Em. Tại đây, ông Phong ghi âm cuộc nói chuyện giữa hai bên.
Đồng thời họ đưa một tờ giấy yêu cầu chị kí xác nhận nhận tiền thừa 100 triệu đồng nhưng bà Em nhất quyết không chịu kí, khẳng định mình và người chị không hề nhận dư 100 triệu đồng, chỉ nhận 8 cộc tiền như nói trên, chứ không hề nhận 1000 tờ loại tiền mệnh giá 100.000 đồng.
Sau vụ án ngân hàng này chi nhầm 200 triệu đồng, khách hàng lãnh án tù thì tại thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) cũng đã xảy ra 2 trường hợp tương tự như hai chị em bà Lê Thị Gái. Năm 2008, chị Nguyễn Thị Hoa (khu phố Xuân Hội) đến Agribank Bắc Bình vay 10 triệu đồng để lo cho con vào đại học. Sau khi đem tiền về nhà, chiều tối cùng ngày, 2 nhân viên ngân hàng hai lần đến nhà thông báo đã “chi nhầm” 17,5 triệu đồng và yêu cầu chị Hoa trả lại 7,5 triệu đồng tiền thừa nhưng không được vợ chồng chị Hoa chấp nhận.
Sau đó, đích thân giám đốc ngân hàng là ông Ngô Văn Phong đến tận cơ quan của chồng chị Hoa đòi số tiền thừa. Chỉ đến khi chồng chị Hoa dẫn chứng vay ngân hàng thường vay số tiền chẵn chứ không lẻ theo kiểu 17,5 triệu thì sau đó ngân hàng không đến đòi nữa nhưng cũng chẳng có một lời xin lỗi gởi đến gia đình chị. Chồng chị Hoa là anh Cao Chí Tông đòi làm đơn tố cáo Giám đốc Phong vì tội vu khống và có lời lẽ thiếu tế nhị khi đến cơ quan anh để…đòi nợ. Nhưng sao đó anh không làm đơn vì bản thân anh là đảng viên, là cán bộ nhà nước không muốn làm lớn chuyện, anh Tông bức xúc cho biết.
Khách hàng Cao Văn Lượng cũng từng là “nạn nhân” của việc chi “nhầm”. Trước đây, anh đến Agribank huyện Bắc Bình vay 30 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Sau khi nhận 30 triệu đồng về, thì có 1 nữ nhân viên ngân hàng đến gia đình thông báo là ngân hàng đã “chi nhầm” 50 triệu đồng và yêu cầu anh trả lại số tiền thừa 20 triệu đồng. Vợ chồng anh vội mở tủ và lấy nguyên cọc tiền còn nguyên vẹn ra đếm trước mặt nhân viên và kèm theo giấy tờ ngân hàng, nhân viên này ra về vì không có chứng cứ khẳng định anh nhận 20 triệu tiền thừa nhưng nhân viên cũng ‘quên’ có lời xin lỗi với khách hàng.
P.Thanh – Thanh Trúc