Làm giao thông không chỉ chăm chăm thu tiền

25/04/2012 08:01 AM

TT - Ngày 24-4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội về những vấn đề liên quan đến “thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.

"Phí bảo trì đường bộ thực hiện theo Luật giao thông đường bộ, lẽ ra đã thu từ lâu nhưng nay mới thu được". Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng

"Hiện nay là thời điểm kinh tế khó khăn, vì vậy cần cân nhắc thời điểm thu và mức thu thế nào để đạt được sự đồng thuận xã hội". Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh

"Quan điểm của chúng tôi là say rượu bia thì ngoài giữ phương tiện, phải giữ người đến khi người ta tỉnh mới cho đi". Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội

“Tướng nướng nhiều quân nhất”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển mở đầu phiên giải trình bằng việc nêu hàng loạt vấn đề: Bộ trưởng nói tai nạn tuy có giảm so với cùng kỳ nhưng số người chết và bị thương quá lớn; số phương tiện vi phạm bị xử phạt tới 8,3 triệu, có nghĩa bằng 18-20% số phương tiện lưu thông trên đường. “Trước đây tôi hay nói với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng (người tiền nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng) rằng anh là đại tướng nướng quân nhiều nhất, mỗi năm tai nạn làm chết một sư đoàn và bị thương bốn sư đoàn khác” - ông Hiển ví von.

Ông Hiển thẳng thắn đặt câu hỏi: “Bộ trưởng đề nghị tăng mức tiền phạt, tăng phí, tăng đầu tư cho ngành giao thông, nhưng chưa thấy bộ trưởng nói đến giải pháp tăng trách nhiệm của các cán bộ ngành giao thông. Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hạn chế tiêu cực trong lực lượng?”.

Phúc đáp ông Hiển, ông Thăng khẳng định quý 1-2012 đã giảm được 50% số vụ tai nạn, 19% số người chết, nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM tai nạn còn giảm đến 70%, dự kiến năm nay sẽ giảm được hơn 2.000 người chết so với năm ngoái. “Đúng là số người chết, bị thương dù đã giảm nhưng vẫn còn rất lớn, còn nghiêm trọng” - ông Thăng nói. Bộ trưởng Thăng cũng cho hay đang có đề án để nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, từ lực lượng quản lý đến người thực hiện là thanh tra giao thông.

* Đại biểu Trần Ngọc Vinh(Hải Phòng):

Tôi chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tôi đề nghị bộ trưởng giải thích chuyện vừa rồi bộ đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ bị dư luận phản ứng, nhưng bộ trưởng chỉ nói về phí bảo trì đường bộ theo quy định của Luật giao thông đường bộ. Không rõ là vô tình hay cố ý mà bộ trưởng đã né vấn đề tôi hỏi. Cá nhân tôi không đồng tình với phí hạn chế bởi người sử dụng xe phải trả quá nhiều loại thuế và phí rồi.

Phải có sự đồng thuận của xã hội

Trước việc lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đặt ra nhiều giải pháp liên quan đến thu tiền của dân, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ thái độ không đồng tình. Ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói: “Lĩnh vực giao thông đầu tư kém hiệu quả, thất thoát hàng ngàn tỉ. Trong khi vừa qua bộ đề xuất thu các loại phí nhưng không được sự đồng thuận của dư luận. Đề nghị bộ trưởng giải thích”.

Trả lời, ông Thăng nói: “Phí bảo trì đường bộ thực hiện theo Luật giao thông đường bộ, lẽ ra phải thu từ lâu nhưng nay mới thu được”. Ông Thăng không đề cập đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí vào trung tâm TP vào giờ cao điểm. Cũng đề cập phí bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nêu quan điểm: “Hiện nay là thời điểm kinh tế khó khăn, vì vậy cần cân nhắc thời điểm thu và mức thu thế nào để đạt được sự đồng thuận xã hội”.

Cho rằng Bộ trưởng Thăng trả lời chưa “đã”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bình luận: “Ngành giao thông nói tất cả các giải pháp là để phục vụ nhu cầu của nhân dân, còn người dân thì nói là tôi trả tiền cho tất cả. Tôi cho rằng làm chính sách thì phải nghĩ thế nào để đỡ thu tiền dân, chẳng hạn như tìm cách kêu gọi đầu tư thế nào, chứ không chỉ có mỗi cách là thu tiền của dân”. Đại biểu Dương Trung Quốc bình luận rằng trong 1,9 triệu ôtô, chỉ có 600.000 xe “biển trắng”, chính sách dường như chỉ hướng vào số xe này. “Đừng nghĩ đến chuyện hạn chế xe cá nhân. Một đất nước gần trăm triệu dân mà mới có 1,9 triệu xe hơi thì không ăn thua gì” - ông Quốc nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên tiếp lời: “Đất nước đã nghèo nhưng ngành nào cũng đòi tiền. Tôi thấy có những cách ít tiền hơn mà hiệu quả, ví dụ tạm giữ hành chính người say rượu. Hàn Quốc, Trung Quốc đã quy định say rượu là phạt tù dưới sáu tháng. Bộ trưởng cần có quan điểm rõ về vấn đề này. Ôtô quá tải phá đường của Nhà nước rất nhiều, Bộ trưởng có biện pháp nào để kiểm soát?”.

Bộ trưởng Thăng đáp: “Các giải pháp chúng tôi đưa ra hết sức đồng bộ chứ không chỉ là thu tiền của dân. Chúng tôi đề xuất thu căn cứ trên chủ trương của Quốc hội và Chính phủ chứ không phải thích là thu. Thu thế nào đều có tính toán lộ trình, mức thu đảm bảo sức đóng của người dân. Đồng tiền của người dân đóng sẽ được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Tình trạng ôtô quá tải là rất bức xúc. Chúng tôi đã dừng việc cho hoán cải, cơi nới xe, đang lập đề án kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, tháng 5 sẽ trình và đã có lộ trình cụ thể để thực hiện. Tới đây sẽ xây dựng 34 trạm cân trên các tuyến quốc lộ bằng thiết bị hiện đại”.

Đối với tình trạng công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Thay mặt lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, tôi xin nhận lỗi trước các đại biểu Quốc hội và trước nhân dân. Chúng tôi đang đề ra nhiều biện pháp khắc phục”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với thiếu tướng Đỗ Đình Nghị trong giờ giải lao của phiên giải trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chế tài phải nặng

"Có cử tri vừa nhắn tin cho tôi nói rằng phải chất vấn tại sao các công trình giao thông bị rút ruột, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng nhưng không bắt các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đền mà cứ nhằm vào thu phí của dân. Dân khổ lắm rồi."

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý

Nội dung đạt được sự đồng thuận cao nhất tại phiên giải trình là phải tăng chế tài xử phạt để đảm bảo mức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Quốc hội quy định cho phép tịch thu xe đua trái phép, bất kể xe đó thuộc sở hữu của ai. Đây đồng thời cũng là đề nghị của thiếu tướng Đỗ Đình Nghị và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín. “Mức độ nghiêm trọng đến đâu thì phải có giải pháp, chế tài tương xứng đến đó mới giải quyết được tình hình” - ông Tín nói.

Bộ trưởng Thăng đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải 200 triệu đồng (thay vì 50 triệu như hiện nay); nâng mức tiền xử phạt cho thanh tra viên và chiến sĩ công an nhân dân lên 2 triệu đồng; quy định chủ ôtô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng, coi đây là điều kiện bắt buộc để phương tiện tham gia giao thông; ngoài hình thức nộp phạt về kho bạc, có thể thực hiện hình thức xử phạt thông qua tài khoản...

Trả lời câu hỏi của Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá về vấn đề đào tạo, cấp bằng lái xe đang có tình trạng học giả bằng giả, học giả bằng thật, Bộ trưởng Thăng hứa: “Chúng tôi đã có đề án để giải quyết. Sẽ đưa công nghệ mới vào công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, nhất là thi cử. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an để kiểm soát chống bằng lái giả”. Ông Thăng cũng khẳng định sẽ có biện pháp khắc phục những tồn tại, bất cập, tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Trước đề xuất của đại biểu Dương Trung Quốc là “phải tịch thu cả các xe chở quá khổ, quá tải làm hư hại đường sá”, Bộ trưởng Thăng lập tức “đồng tình và sẽ cho nghiên cứu để đề xuất”.

Theo thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, vi phạm do sử dụng rượu bia ở VN khá phổ biến. Công tác xử lý cũng khó khăn, vừa rồi bố trí anh em ở quán bia, nhưng người ta uống xong lại đi bộ chứ không đi xe nữa. Hoặc là đưa máy thở thì người ta không thở. Phương tiện cũng thiếu, cả nước chỉ có 1.473 máy đo nồng độ cồn. “Quan điểm của chúng tôi là say rượu bia thì ngoài việc giữ phương tiện, phải giữ người đến khi người ta tỉnh mới cho đi” - ông Nghị nói.

LÊ KIÊN

Hàng chục ngàn phương tiện bị tạm giữ đang xuống cấp

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu tình trạng hàng chục ngàn phương tiện vi phạm bị tạm giữ đang bị xuống cấp. Qua giám sát thì thấy có những phương tiện khi tạm giữ có giá trị vài chục triệu, đến nay còn giá trị vài ba triệu, thậm chí có những phương tiện cỏ mọc lấp.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết việc tạm giữ phương tiện có tác dụng răn đe rất cao. Sở dĩ nhiều phương tiện xuống cấp, hỏng hóc là do trình tự xử lý quá chặt chẽ, bất hợp lý như mức phạt cộng với phí lưu kho, lưu bãi cao hơn giá trị phương tiện nên người ta bỏ luôn; rồi xe ăn trộm, ăn cắp chưa xác định được chủ; quy định tịch thu, đấu giá rất phức tạp. Để giải quyết theo đúng quy trình thì tối thiểu 6-8 tháng. “Đề xuất nghiên cứu lại, sửa từ gốc các quy định của pháp luật. Ví dụ, hết thời hạn tạm giữ, thông báo công khai mà không có người đến nhận thì bán đấu giá luôn” - ông Nghị nói.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,218

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]