|
ông Tạ Quang Minh |
Trong hoạt động thực thi quyền SHTT
chống lại các hành vi xâm phạm quyền, một lĩnh vực được xã hội rất quan
tâm và đang có diễn biến rất phức tạp, vai trò của Tòa án rất mờ nhạt.
Từ khi Luật SHTT có hiệu lực (1/7/2006) chỉ mới xét xử theo trình tự dân
sự được hơn 100 vụ xâm phạm quyền, trong khi các lực lượng thực thi
hành chính (Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành, Công
an) đã xử lý hàng chục nghìn vụ xâm phạm.
Tuy nhiên, cũng phải tính đến một số
nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của Toà án. Trước hết, đó là do thời
gian giải quyết kéo dài. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn
đến việc các chủ thể quyền SHTT e ngại khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ
quyền và lợi ích của mình trước các hành vi xâm phạm. Thay vào đó, họ
yêu cầu các cơ quan có thẩm quyển xử lý hành chính đối với các hành vi
xâm phạm để đảm bảo việc chấm dứt kịp thời, nhanh chóng các hành vi xâm
phạm đó.
Thứ hai, do các biện pháp khẩn cấp tạm
thời theo trình tự dân sự chưa phát huy hiệu quả. Các biện pháp khẩn
cấp tạm thời quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự chưa được cụ thể hóa
đối với các tranh chấp về quyền SHTT, còn mang tính chung chung.
Điều này đã gây không ít khó khăn cho
chủ thể quyền SHTT trong việc yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn
cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và cũng đồng nghĩa với
việc ưu thế về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của
biện pháp dân sự chưa được phát huy trên thực tiễn. Theo thông tin của
Tòa án thì có rất ít trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời từ phía các chủ thể quyền SHTT.
Thứ ba, do năng lực giải quyết các vụ
án về quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu. Pháp luật về bảo hộ quyền
SHTT là lĩnh vực pháp luật còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, một số Thẩm
phán vẫn gặp không ít khó khăn trong việc vận dụng các quy định pháp
luật giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT (đặc biệt là các vụ
án tranh chấp về quyền tác giả, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp…) vì
chưa có đủ trình độ chuyên sâu về SHTT.
Đặc biệt, Tòa án thường bị lệ thuộc
kết quả trưng cầu giám định hoặc kết luận các yếu tố vi phạm của cơ quan
có thẩm quyền về việc có hay không có hành vi xâm phạm quyền SHTT để
giải quyết các vụ án về SHTT được chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm
quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.
Và nguyên nhân cuối cùng là khó xác
định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra. Mặc dù Luật SHTT
đã quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT, song
do tính chất đặc thù của loại tài sản “trí tuệ” và do các căn cứ để xác
định thiệt hại về vật chất như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn
thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt
hại… hoặc các thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự,
nhân phẩm, uy tín, danh tiếng... đều chưa có hướng dẫn chi tiết, nên
trong nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc
xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế.
Do vậy, các cấp Tòa rất lúng túng
trong việc xác đinh mức bồi thường thỏa đáng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp
pháp của chủ sở hữu quyền.
Để tháo gỡ tốt nhất và nhanh nhất tình
trạng trên, trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là trong bối cảnh hội
nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong quá trình toàn cầu hóa, vai
trò của hệ thống Tòa án ngày càng trở nên quan trọng như là một thiết
chế đảm bảo các cam kết về SHTT của Việt Nam với các đối tác nước ngoài
cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền. Trong bối cảnh đó,
cần thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao vai trò của Tòa án trong
hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đó là:
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật đối với
việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT, nhằm tạo ra cơ chế
giải quyết thuận lợi, nhanh chóng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp
pháp của các chủ thể quyền SHTT.
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ cho cán bộ, Thẩm phán theo hướng chuyên sâu về SHTT, cần chú trọng
xây dựng các mục tiêu và chương trình đào tạo có hệ thống để đào tạo,
bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về SHTT và cả ngoại ngữ cho đội ngũ cán
bộ, Thẩm phán ở các Tòa án hiện nay nhằm nâng cao kiến thức chuyên sâu
về SHTT và nắm bắt được thực tiễn xét xử tại các nước.
Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao
cũng cần thường xuyên thực hiện việc tổng kết công tác thực tiễn công
tác xét xử, trên cơ sở đó tổ chức rút kinh nghiệm về nghiệp vụ giải
quyết tranh chấp về quyền SHTT để phổ biến cho Tòa án nhân dân các cấp.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu khả năng
xây dựng Tòa án chuyên trách về SHTT, nếu được thực hiện sẽ giải quyết
được rất nhiều vấn đề mà Tòa án Việt Nam đang gặp phải. Hệ thống Tòa án
một số nước, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, đã hoạt động theo
mô hình này và đạt được kết quả tích cực, bao gồm cả việc thu hút đầu tư
nước ngoài và đảm bảo quyền của chủ sở hữu.
Thủy Thu