Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) phát biểu tại Hội trường. |
Tập trung đầu mối để chuyên nghiệp hóa
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GĐTP, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, sẽ không còn Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cho giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người).
Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, qua tổng kết của Chính phủ và kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, thực trạng tổ chức và hoạt động giám định pháp y nhiều năm qua vừa thiếu thống nhất, manh mún, không phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng thì đòi hỏi phải có sự đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh.
Hầu hết các ý kiến địa phương được khảo sát đều cho rằng, cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao.
Đây cũng là nội dung đổi mới căn bản nhất trong dự án Luật GĐTP mà Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh cần cân nhắc điều kiện thực tiễn cũng như đánh giá những ưu, nhược điểm của từng phương án. Vì lý này, UBTVQH trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
Bỏ hay không: Cần thận trọng
Với lập luận “giám định pháp y là chuyên môn thuộc y học, muốn có kết luận giám định chính xác phải có chuyên môn, kinh nghiệm và quan trọng là phương tiện khoa học hỗ trợ”, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) ủng hộ “nên tập trung để ngành y tế chính quy, hiện đại”.
Làm phép so sánh cả về nguồn nhân lực (số lượng, bằng cấp chuyên môn) của đội ngũ giám định viên, thực tế khối lượng pháp y Công an và Y tế đã giải quyết, cùng với dẫn chứng về kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp mới đây, ĐB Anh nhấn mạnh thêm: “Công an tiến hành giám định khi chưa có quyết định trưng cầu là không đảm bảo đúng quy định của pháp luật, có đảm bảo sự khách quan không, đặc biệt trong các trường hợp đối tượng bị chết trong nhà tạm giam, tạm giữ?”.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng, pháp y ngành Y tế đã có lịch sử phát triển lâu năm, để trở thành giám định viên cần phải được đào tạo chuyên sâu. Hơn nữa, quan trọng nhất trong giải quyết các vụ án là tính khách quan, giao cho y tế có thể yên tâm về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyệt, nếu thực hiện phương án 1 (bỏ Pháp y Công an tỉnh) thì cần phải có lộ trình cụ thể. Cùng quan điểm, ĐB Phan Văn Điền Phương (An Giang) lưu ý thêm: Tập trung một mối là cần thiết nhưng Luật cũng không nên quy định “tùy tình hình thực tế …” sẽ tạo sự không rõ ràng, minh bạch, mà quan trọng là quy định làm sao để thuận lợi cho việc áp dụng.
Ngược với luồng ý kiến ủng hộ, nhiều ĐBQH vẫn không đồng ý phương án bỏ pháp y Công an tỉnh. Thừa nhận giảm đầu mối, tăng tính khách quan là lý tưởng nhưng Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) lại cho rằng: “Đề xuất bỏ ở thời điểm này chưa phù hợp”. ĐB này cũng đặt câu hỏi: “Công an đang làm tốt sao lại đề nghị bỏ đi?”
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Nguyễn Thái Học (Phú Yên).. cũng cho rằng bỏ ngay sẽ có những tác động tiêu cực, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; bên cạnh đó, nếu giao luôn cho Y tế sợ sẽ không đảm đang được ngay. Nhiều ĐB “khuyên” Y tế nên tập trung cho công tác chữa bệnh.
Trước lo ngại của một số ĐB về việc để Pháp y Công an tỉnh giám định sẽ dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) dứt khoát: “Giám định viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu họ làm sai. Hơn nữa việc giám định tử thi còn có cả sự chứng kiến của Kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, người làm chứng, gia đình nạn nhân…thì sao lại sợ không khách quan? Thực tế, Công an làm chưa để xảy ra sai sót khiến dư luận bất bình”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: “Sẽ tập hợp đầy đủ và gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH trước khi làm báo cáo giải trình tiếp thu tại phiên thông qua”. Theo Phó Chủ tịch, làm như vậy “để có cơ sở cho việc Quốc hội quyết định một cách chính xác”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đổi mới thì sẽ độc lập và khách quan Trước ý kiến một số ĐBQH lo ngại ngành Y tế chưa thể đảm đương nhiệm vụ nếu bỏ pháp y Công an tỉnh, hôm qua - 29/5 bên hành lang kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biêt: "Thực ra, ĐB muốn y tế cũng túc trực 24/24h như Công an. Pháp y Y tế cũng trực được hết chứ không phải không làm được nhưng tôi cho rằng vấn đề là chúng ta không muốn đổi mới. Phải nhìn nhận đổi mới thì sẽ phải khách quan hơn, độc lập hơn, có chuyên môn sâu hơn, và quan trọng là Việt Nam đổi mới thì mới hội nhập quốc tế. Với cách làm như của ta không giống các nước xung quanh. Anh vừa là cơ quan hình sự, vừa điều tra, vừa giám định sẽ không đảm bảo khách quan, ở các nước hai cái này độc lập nhau. Hơn nữa, không đổi mới thì sẽ không đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra. Tóm lại là để hai đầu mối như thế này sẽ “không đâu vào với đâu”. Chúng tôi cần có lộ trình 3 năm để chuẩn bị. Thực tế, hiện nay chúng tôi đang đào tạo rất nhiều để bổ sung lực lượng hiện có. Đối với Công an 13 tỉnh không có giám định viên pháp y thì Y tế làm hết, chưa kể giám định tâm thần. Còn những khó khăn khác, chúng tôi sẽ có 3 năm sẽ giải quyết". T.Hằng (thực hiện) |
Thu Hằng