Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Chiều ngày 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với 92,53% đại biểu Quốc hội tán thành.
Trước đó, tại đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn chỉnh dự thảo Luật.
Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội đã biểu quyết riêng đối với khoản 43 Điều 1 - sửa đổi, bổ sung Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và khoản 49 Điều 1 – sửa đổi, bổ sung Điều 96.
Với 92,53% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có đủ thời gian rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phát vi phạm hành chính
Về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, do ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Kết quả xin ý kiến cho thấy, có 207/399/481 vị đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này; 190/399/481 vị đại biểu tán thành phương án 2 quy định bổ sung nội dung này. Do số lượng đại biểu Quốc hội ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình cả 02 phương án như thể hiện tại khoản 43 Điều 1 của dự thảo Luật để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó phương án 1 là không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Phương án 2 bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 86 về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước.
Biểu quyết về nội dung này, đã có 390/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với phương án 1 (chiếm 80,91% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, dự thảo Luật không quy định về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước.
Quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Nhiều ý kiến tán thành quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể nội dung này vào dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đang được điều chỉnh trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và dự thảo Luật này. Việc quy định nội dung này trong Luật Phòng, chống ma túy là cần thiết, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và để bảo đảm tính tổng thể của chính sách cai nghiện ma túy; đồng thời biện pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với các quy định khác của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong thảo luận Tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), ý kiến của các cơ quan có liên quan và qua nghiên cứu quy định của dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cho thấy nội dung này còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Hơn nữa, theo Chương trình xây dựng luật, pháp luật, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021), sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy là phù hợp nhằm tránh phát sinh mâu thuẫn giữa hai luật.
Biểu quyết về điều luật này, đã có 445/447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,32% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Quốc hội đã nhất trí thông qua quy định tại Khoản 49 Điều 1 dự thảo Luật quy định: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 96 như sau: “1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.”.
Bảo Yến - Bùi Hùng