Hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi Nội quy lao động từ 01/01/2021

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/12/2020 18:10 PM

Quy định mới về những nội dung phải có trong Nội quy lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021) tới đây sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải tiến hành sửa đổi Nội quy lao động.

nội quy lao động 2021

Cụ thể, theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Nội quy lao động của doanh nghiệp cần có các nội dung sau đây:

(1) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

(2) Trật tự tại nơi làm việc;

(3) An toàn, vệ sinh lao động;

(4) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;.

Đây là quy định mới so với quy định hiện hành tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn, theo đó, Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

- Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

- Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

- Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc:

- Nhanh chóng, kịp thời;

- Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

(5) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

(6) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động

Đây là quy định mới, Nội quy lao động phải quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động 2019.

(7) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

(8) Trách nhiệm vật chất;

(9) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động (quy định mới).

Như vậy, so với quy định tại Bộ luật Lao động 2012 thì quy định mới bổ sung 3 nội dung mới cần phải có trong nội quy lao động (Mục (4), (6), (9)). Những doanh nghiệp nào hiện chưa quy định những nội dung này trong nội quy cần tiến hành sửa đổi để bổ sung cho đúng với quy định của pháp luật lao động từ ngày 01/01/2021.

>> Xem thêm: 09 nội dung chủ yếu của Nội quy lao động

Quý Nguyễn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 42,560

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]