04/09/2012 08:16 AM

Đó là quy định tại dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được Bộ Thông tin - truyền thông đưa ra lấy ý kiến.

Các game thủ chơi game online tại một cửa hàng Internet trên đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Theo quy định tại dự thảo, các trường hợp vi phạm quy định về giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (game) trên mạng sẽ bị phạt từ 10-200 triệu đồng tùy theo hành vi vi phạm tương ứng.

Cấm trò chơi kích động bạo lực

Đối với việc cung cấp dịch vụ game, dự thảo quy định xử phạt nếu doanh nghiệp không thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ game trên mạng, không cung cấp thông tin về phân loại game theo độ tuổi trong các chương trình quảng cáo hoặc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trong từng trò chơi, không giải quyết các tranh chấp phát sinh...

Nếu nội dung kịch bản game có hình ảnh hoặc âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam... sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Dự thảo cũng quy định nghiêm cấm việc chuyển đổi vật phẩm ảo hoặc điểm thưởng thành tiền hay tài sản dưới bất kỳ hình thức nào hoặc sửa đổi thông tin hay dữ liệu làm thay đổi giá trị của vật phẩm ảo trong game. Dự thảo lần này cũng nhấn mạnh quy định về thời gian chơi game trên mạng, theo đó tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi không được vượt quá 180 phút/ngày.

Dịch vụ game phải cách xa trường học

Đối với điểm cung cấp dịch vụ game công cộng nằm trong phạm vi bán kính của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200m; không treo biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ game công cộng”... sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Điều 22 dự thảo nghị định quy định xử phạt người chơi game online từ 500.000-1 triệu đồng đối với các hành vi: chơi các trò chơi điện tử chưa được cấp phép hoặc chưa đăng ký theo quy định, không thực hiện đăng ký thông tin cá nhân, không chấp hành các quy định về quản lý giờ chơi hoặc quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng (mỗi người không được chơi quá 180 phút/ngày, thời gian cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng từ 8g đến 22g).

Không dễ xử phạt

Trao đổi về quy định ở điều 22, khá nhiều game thủ lẫn phụ huynh tỏ ra băn khoăn. Trong đó thắc mắc lớn nhất là việc làm sao người chơi game có thể biết được game mình đang chơi đã được cấp phép hay chưa. Game thủ Tiến Đạt (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho rằng: “Tại các điểm Internet hiện nay có đến cả trăm loại game online khác nhau, chúng tôi thích chơi game nào thì cứ chơi chứ làm sao biết được game đó đã được cấp phép hay chưa? Máy ở tiệm có cung cấp game đó thì chúng tôi chơi, không lẽ chúng tôi bị xử phạt?”.

Không chỉ những người chơi game băn khoăn, ngay cả những cửa hàng cung cấp dịch vụ Internet cũng đầy thắc mắc. Anh Minh - chủ một tiệm net ở quận 10, TP.HCM - cho rằng “rất khó bắt buộc người dùng phải khai thật thông tin cá nhân khi tham gia thế giới ảo, họ có thể khai sai những thông tin cá nhân, chủ yếu để đáp ứng quy định cho có lệ. Chúng tôi lại không thể nào bắt buộc họ phải đưa chứng minh nhân dân để đối chiếu như công an được. Các tiệm net như chúng tôi mà làm vậy chắc chắn sẽ không còn khách hàng nào đến sử dụng dịch vụ”.

Cũng có ý kiến cho rằng quy định xử phạt người chơi nhưng chủ yếu là nhắm đánh game lậu bởi tình trạng game lậu đang tràn lan trên thị trường hiện nay. Game lậu có thể được xem gồm những game chưa được cấp phép hoặc game đã cấp phép nhưng do các máy chủ (server) lậu cung cấp. Server lậu thường được đặt ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều này lại khiến khá nhiều game thủ tỏ ra bức xúc. “Liệu có phải cơ quan chức năng không thể quản lý được các nhà phát hành game cũng như tình trạng game lậu đang tràn lan nên chuyển sang cấm người dùng?” là nhận định được rất nhiều thành viên trên các diễn đàn game trên mạng bày tỏ khi bàn luận về dự thảo quy định mới này.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc luật nên có quy định quản lý cụ thể đối với người chơi game. Ông Huỳnh Nhì (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Việc quản lý cả người chơi game online cũng là một cách hay vì nó có thể giúp hạn chế, kiểm soát việc chơi game của các cháu”. Tuy nhiên, ông Nhì băn khoăn: “Thế nhưng cơ quan chức năng, nhà phát hành game, doanh nghiệp Internet và các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến có đồng lòng thực hiện được quy định trên là việc không dễ dàng chút nào”. Ông Nhì đưa ra các trường hợp cụ thể: Cơ quan chức năng nào sẽ kiểm tra và xử phạt những người chơi game chưa được cấp phép, những người chơi game không cung cấp thông tin cá nhân? Việc kiểm tra và xử phạt có làm thường xuyên như công an giao thông không hay chỉ làm một vài thời điểm cho có lệ rồi thôi? Trường hợp người chơi game online tại nhà vi phạm các quy định trên thì việc kiểm tra và xử phạt liệu có thực hiện được?...

MINH QUANG - ĐỨC THIỆN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,063

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]