Cụ thể, ông Bùi Danh Liên đề nghị bỏ điều kiện đăng ký phương tiện cá nhân đối với người không có hộ khẩu tại các thành phố lớn là phải có thời gian sinh sống ở đó ít nhất 5 năm trở lên. Không nên hạn chế đăng ký quyền sở hữu phương tiện cá nhân vì trái Luật Dân sự.
Không hạn chế xe máy giai đoạn đầu
Về niên hạn sử dụng theo ông Liên cần cân nhắc kỹ. “Cần thiết mới sửa lại quy định niên hạn sử dụng, cần tham khảo quy định của các nước đang phát triển cho phù hợp với thu nhập quốc dân”, ông Liên nêu ý kiến.
Riêng đối với xe gắn máy, ông Liên cũng cho rằng, không đưa ra niên hạn sử dụng. Lý do được đơn vị này đưa ra là vì ô tô chở khách có niên hạn 20 năm thì xe máy ít nhất 30 năm. Với khoảng thời gian này thì tự thân chiếc xe máy đã bị loại bỏ (xe Liên Xô, xe Tiệp, xe Đức, xe Pơzo đã tự nhiên biến mất). Hơn nữa, khi phương tiện giao thông công cộng thuận lợi thì người dân sẽ bỏ xe máy.
“Nếu làm ngay người dân phải chấp nhận nhưng xã hội sẽ mất nhiều tiền của, lao động, thủ tục (sổ kiểm định). Hơn nữa, chế tài kiểm soát số lượng hàng chục triệu xe máy không đơn giản”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lo ngại. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng định hướng có thể quy định kiểm định xe gắn máy nhưng thời hạn kiểm định ít nhất 2 năm/lần.
Đối với ô tô, ông Liên cho rằng, đây là phương tiện đi lại văn minh hiện đại, do vậy chỉ cần điều chỉnh sự tham gia giao thông của ô tô cá nhân, nhằm nhường đường cho xe buýt. Theo ông Liên sau này nếu cơ sở hạ tầng cho phép nên cho ô tô cá nhân hoạt động bình thường.
“Thu tiền của dân là chính!”
Về lộ trình hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, thời kỳ đầu hạn chế xe ô tô giờ cao điểm, vào trục đường chính, vào vành đai để ưu tiên xe Buýt. Thời kỳ tiếp theo xe máy tự giảm số lượng, không hạn chế ô tô. Đến khi quá tải lúc đó áp dụng hạn chế ô tô bằng các biện pháp đấu thầu biển số.
Từ nay cho đến năm 2015, cần quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ và
chính quyền địa phương trong việc hoạch định lộ trình kế hoạch đầu tư hạ
tầng, phát triển giao thông công cộng cho phù hợp với năng lực tài
chính của địa phương.
Xây dựng phương pháp thu phí nội đô và giờ cao điểm bằng công nghệ thông tin (tiền thu phải vào kho bạc bằng thẻ tín dụng điện tử). Giải quyết các vướng mắc về chuyển quyền sở hữu, xe tỉnh bạn vào Hà Nội, bãi đỗ xe ngoài vành đai 3, xây dựng các thông tư hướng dẫn.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hạn chế phương tiện cá
nhân nên làm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành cho phép quy định trong
Luật Giao thông đường bộ và thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Cụ thể đó là phân luồng giao thông cấm các loại phương tiện vào nội đô, giờ cao điểm, cấm một số tuyến và quy định các loại xe được cấp giấy phép vào đường cấm, phố cấm và các xe ô tô ngoại tỉnh vào Hà Nội. Từ năm 2016 trở đi mới thực hiện các giải pháp được chọn lọc trong đề án, kể cả thu một số loại phí thích hợp (đã qua thời kỳ suy thoái kinh tế).
Theo Quang Phong
Dân trí