Thời gian gần đây, Bitcoin đã tăng mạnh trở lại và ngày càng thu hút các nhà đầu tư muốn dựa vào đồng tiền này để kiếm lời. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần cảnh báo việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề xem Bitcoin như một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán.
Tại Khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:
“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.
Bên cạnh đó, Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/07/2017 gửi văn phòng chính phủ cũng khẳng định:
"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)."
Như vậy, Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo cũng như Bitcoin là một phương tiện thanh toán. Việc phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán là không hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xuân Khoa