|
Sổ hộ tịch sẽ thay thế nhiều giấy tờ quan trọng |
Sổ được cấp khi đăng ký khai sinh
Đánh giá 1/4 thế kỷ thực hiện công
tác đăng ký hộ tịch, Chính phủ cho biết đã đạt nhiều kết quả quan trọng,
tuy nhiên một trong những hạn chế của pháp luật hiện hành chính là do
quy định mỗi sự kiện hộ tịch (sinh, kết hôn, tử, nuôi con nuôi, giám
hộ…) được đăng ký vào một sổ riêng (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết
hôn, Sổ đăng ký tử, Sổ đăng ký nuôi con nuôi…).
Thực tế cho thấy các sự kiện hộ tịch
của một người có thể được đăng ký ở nhiều địa phương, nhiều cấp khác
nhau, thậm chí ở nước ngoài, nên dẫn đến tình trạng các dữ liệu hộ tịch
của cá nhân bị phân tán, không xâu chuỗi/kết nối được với nhau, cơ quan
đăng ký hộ tịch không quản lý được dữ liệu hộ tịch cá nhân, Nhà nước
cũng không nắm được sự di/biến động về hộ tịch.
Điều đó đã làm hạn chế khả năng kiểm
tra thông tin về hộ tịch của cá nhân, việc tra cứu, khai thác thông tin
hộ tịch để phục vụ yêu cầu của người dân và cơ quan, tổ chức trong nhiều
trường hợp không đáp ứng được.
Không những khó khăn cho công tác
quản lý nhà nước, mà việc để người dân lưu giữ các giấy tờ đơn lẻ như
hiện nay sẽ gây khó khăn cho chính bản thân họ khi cần phải chứng minh
tình trạng hộ tịch của mình (kết hôn hay chưa, đã ly hôn lần nào chưa,
có cải chính, thay đổi hộ tịch, nhận cha mẹ, con nuôi hay không…). Lý do
các sự kiện hộ tịch của cá nhân chưa hề được kết nối khiến người dân
phải tự mày mò bằng phương pháp thủ công (xuất trình giấy tờ riêng lẻ).
Đó là chưa kể, nhiều loại giấy tờ qua thời gian bị mất mát, hư hỏng…
không còn sử dụng được.
Với ý tưởng sẽ không cấp các loại
giấy tờ hộ tịch như hiện nay mà thay bằng Sổ hộ tịch cá nhân, Chính phủ
cho biết sổ này sẽ được cấp cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh
theo quy định của Luật mới. Khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của
mình (như khai sinh, kết hôn…), người dân chỉ cần xuất trình Sổ hộ tịch
cá nhân cho cơ quan, tổ chức yêu cầu. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy
định Sổ hộ tịch cá nhân được chứng thực bản sao để người dân sử dụng khi
có yêu cầu.
Cùng với việc đổi mới trong lập sổ bộ hộ tịch mới, sổ hộ tịch cá nhân
theo Chính phủ sẽ góp phần quan trọng vào việc khắc phục tình trạng tản
mát dữ liệu hộ tịch như bấy lâu nay, tạo tiền đề quan trọng để hình
thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý
dân cư, quản lý nhà nước và xã hội theo hướng hiện đại, bảo đảm thuận
lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác sử dụng.
Không cấp mới cho 87 triệu dân số hiện tại
Việc cấp cho mỗi người một cuốn sổ
thay thế các giấy tờ hộ tịch hiện tại khi được trình ra Ủy ban Thường vụ
Quốc hội có ý kiến ví von, sự đổi mới này sẽ “làm nên lịch sử”. Quả
thật nếu như trong đời sống hiện đại hiện nay, với sự hỗ trợ của công
nghệ thông tin, việc cấp cho mỗi cá nhân một sổ hộ tịch không chỉ là ý
tưởng mà thực sự là “lý tưởng” theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp
luật.
Tuy nhiên, một lo ngại lớn được đặt
ra đó là nếu như chủ trương nói trên được thông qua thì các giấy tờ hộ
tịch của người dân hiện tại sẽ giải quyết thế nào?. Có cần phải cấp mới
sổ hộ tịch cho người dân hay không?.
Giải tỏa những lo ngại này, Bộ trưởng
Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: Chỉ đặt ra việc cấp sổ cho những
người sinh ra sau ngày Luật có hiệu lực, còn với 87 triệu dân số hiện
tại, các loại giấy tờ hộ tịch vẫn giữ nguyên giá trị. Theo Bộ trưởng,
quy định như vậy sẽ không làm xáo trộn trong đời sống.
Thực tế, nếu cấp mới Sổ hộ tịch cá
nhân cho toàn bộ dân số hiện nay là công việc rất đồ sộ, tốn kém thời
gian, công sức và tiền bạc, nhưng cũng rất nhiều rủi ro và khó khả thi.
Đặc biệt đối với những người cao
tuổi, giấy tờ - kể cả bản sao - của họ không còn, sổ lưu trữ cũng không,
như vậy không có căn cứ nào có thể cấp lại sổ với thông tin từ lúc mới
ra đời. Do đó, việc cấp Sổ hộ tịch cá nhân cho tất cả hiện nay là công
việc vô cùng phức tạp, thậm chí là không cần thiết.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không
cấp mới sổ hộ tịch cá nhân cho dân số hiện có thì nhà nước cũng rất khó
quản lý, xã hội sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề khi tồn tại song song hai
hệ thống sổ về hộ tịch. Đối với cá nhân, cùng đăng ký một sự kiện hộ
tịch nhưng mỗi công dân lại có những giấy tờ, hồ sơ khác nhau, thực hiện
theo những quy trình, thủ tục khác nhau... thời gian chuyển tiếp này sẽ
kéo dài đến hết thế hệ những người sinh ra trước khi Luật này có hiệu
lực.
Vì vậy, ý kiến này đề nghị để bảo đảm
sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý thì những cá nhân đã đăng ký hộ
tịch trước ngày Luật này có hiệu lực cũng phải được lập Sổ bộ hộ tịch và
cấp Sổ hộ tịch cá nhân.
Khi dự án Luật hộ tịch được trình ra
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đánh giá đây là sự đổi mới mang
tính "đột phá"; tuy nhiên, cần làm rõ các vấn đề liên quan và xác định
lộ trình cụ thể để có sự chuẩn bị thật tốt nếu dự luật được thông qua.
Người dân dù đăng ký hộ tịch ở đâu, cũng đều được quy tụ vào Sổ bộ hộ tịch
Cùng với đổi mới trong cấp sổ hộ tịch cá nhân, Dự thảo Luật Hộ
tịch quy định chỉ thiết lập 01 loại sổ là Sổ bộ hộ tịch tại cơ quan đăng
ký hộ tịch (do Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài trực tiếp quản lý).
Sổ bộ hộ tịch được lập và quản lý tại nơi công dân đăng ký khai
sinh – đồng thời cũng là nơi quản lý hộ tịch gốc của công dân. Nhưng để
tạo thuận lợi cho người dân, dự thảo Luật quy định các sự kiện hộ tịch
phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi,
giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch…) không bắt buộc phải đăng ký tại
nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi
cư trú của mình.
Trong trường hợp này, sau khi đăng ký, Hộ tịch viên phải thông báo
về nơi quản lý hộ tịch gốc (nơi đăng ký khai sinh) để ghi vào Sổ bộ hộ
tịch, đồng thời tích hợp vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Với phương thức đăng ký này, thì mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân
cho dù được đăng ký ở các nơi khác nhau, đều được quy tụ vào nơi lưu giữ
Sổ bộ hộ tịch.
An Bình
Theo phapluatvn.vn