Thể hiện sự ghi nhận về tính chủ động, tích cực đề xuất các giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông đồng thời tạo thuận lợi cho nhân dân của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, tuy nhiên Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều phân tích cho quan điểm không đồng tình.
“Ở nước ta, hình thức phương tiện như xe tuk tuk đã từng được lưu hành (xe lambro, còn gọi là xe lam) và cho thấy nhiều hạn chế lớn, không phù hợp đối với sự phát triển về giao thông đô thị nên đã bị dừng hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết 32/2008 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Lý giải về sự tồn tại của xe tuk tuk ở Thái Lan, Ấn Độ…, Bộ GTVT cho rằng ở các nước nói trên, xe tuk tuk được hình thành từ lâu đời và có những điểm khác biệt không giống với giao thông ở Việt Nam. Hiện nay các nước này cũng dần xóa bỏ xe tuk tuk vì lý do an toàn, môi trường và mỹ quan đô thị.
Bộ GTVT khẳng định: “Để phát triển giao thông đô thị bền vững, lâu dài thì bắt buộc phải phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phát triển đường sắt đô thị, tàu điện ngầm. Đây là bài học kinh nghiệm mà tất cả các nước trên thế giới đều đã và đang thực hiện, trong đó có Việt Nam.
Vì những lý do trên, Bộ Giao thông vận tải không đồng tình với đề xuất nhập khẩu và lưu hành xe tuk tuk trên các đường quận, huyện (không lưu hành trên quốc lộ) của Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội”.
Bộ GTVT không quy định “mặc đồng phục” cho xe taxi.
Liên quan đến quy định màu sơn xe taxi trong dự thảo Nghị định 91/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, đã có những cách hiểu cho rằng Bộ này quy định màu sơn xe taxi đồng nhất trên cả nước, tuy nhiên người phát ngôn của Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Lưu - khẳng định: "Bộ GTVT không quy định "mặc đồng phục" cho xe taxi".
Trong văn bản dự thảo Nghị định 91/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều nêu ra quy định trên xe có gắn đồng hồ tính tiền theo ki lô mét lăn bánh và thời gian chờ đợi, được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; doanh nghiệp, hợp tác xã phải đăng ký trang trí màu sơn đặc trưng thống nhất trên nền màu sơn đăng ký của phương tiện (không trùng với trang trí màu sơn đã đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã trước đó), biểu trưng (logo) và số điện thoại giao dịch trên phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định màu sơn cho xe taxi thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện màu sơn theo quy định của thành phố.
“Đây là quy định mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã phải đăng ký trang trí màu sơn đặc trưng thống nhất của đơn vị mình. Đây là cơ sở giúp cho người dân nhận biết được sự khác nhau giữa các hãng taxi để lựa chọn khi có nhu cầu đi lại bằng taxi (kết hợp cùng số điện thoại và biểu trưng logo).
Doanh nghiệp, hợp tác xã có nhiều sự lựa chọn cho việc đăng ký màu sơn và hình thức trang trí trên nền mầu sơn theo đăng ký của phương tiện. Ví dụ: màu sơn theo đăng ký của xe là màu trắng, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể đăng ký màu sơn trang trí là một vạch màu vàng chạy dọc hai bên sườn xe hoặc một vạch đỏ xanh… Mầu sơn trang trí này phải được thống nhất trên tất cả đầu xe taxi của doanh nghiệp” - ông Lưu cho hay.
Như vậy, Bộ GTVT không bắt buộc doanh nghiệp, hợp tác xã phải sơn lại tất cả các xe theo một màu đồng nhất mà chỉ bắt buộc tất cả các xe trong từng doanh nghiệp phải có sự thống nhất về cách thức trang trí và màu sơn trong phần trang trí.
Riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, nếu có quy định về màu sơn xe taxi của các doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố thì phải thực hiện màu sơn theo quy định thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND của thành phố. Đây là nội dung quy định mới nhằm bảo đảm sự kiểm soát và quy hoạch taxi, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông đồng thời tăng cường trật tự an toàn giao thông của thành phố.
Bộ GTVT cho biết, các quy định nêu trên chính là để bảo vệ quyền lợi của khách hàng đồng thời góp phần hạn chế tối thiểu việc các xe không phải thuộc hãng taxi trá hình hoạt động.
Quỳnh Anh