Ngày 10/10, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức họp báo về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng quý 3.
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội phối hợp giải quyết để các chính sách đất đai đi vào cuộc sống.
TTCP cũng đã hoàn thiện 10 kết luận thanh tra, về thi hành án tư pháp của Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện nhà công vụ đối với giáo viên và học sinh ở các tỉnh, thành….
Đối với việc thanh tra hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, hiện chưa thể hoàn thành ngay báo cáo. Nguyên nhân là do lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất rộng và chuyên sâu nên không thể làm nhanh được. Tuy nhiên, khi xong báo cáo và có ý kiến của Thủ tướng, TTCP sẽ thông báo rộng rãi.
Về công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo trong quý 3, số lượt công dân đến Trụ sở tiếp dân của Trung ương trình bày và số vụ việc đều giảm nhưng số lượt đoàn đông người tăng so với cùng kỳ 2011.
Đến nay, TTCP đã rà soát được 389/528 vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, phức tạp, trong đó 280 vụ đã có phương án giải quyết thống nhất giữa bộ, ngành Trung ương với các địa phương.
Minh bạch, công khai trong đấu thầu
Cũng tại buổi họp báo, TTCP đã thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong việc thực hiện luật Đấu thầu (giai đoạn từ1/1/2009- 1/7/2011).
TTCP kết luận Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã triển khai nghiên cứu, soạn thảo kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo luật Xây dựng. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật cơ bản được hoàn thiện, thống nhất theo hướng tăng cường phân cấp. Việc công khai hóa thông tin về đấu thầu được tăng cường, trang thông tin điện tử về hệ thống đấu thầu, hệ thống đấu thầu qua mạng được thí điểm thành công đã tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tổ chức và tăng tính công khai, minh bạch, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu đã tăng cường ý thức thực thi pháp luật của các đối tượng được kiểm tra, góp phần ngăn ngừa các vi phạm.
Tuy nhiên, TTCP cũng chỉ ra một số hạn chế như chưa kiểm tra, giám sát toàn diện, đánh giá kịp thời việc ban hành các văn bản hướng dẫn về đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến việc ban hành còn chậm, không đồng bộ với hệ thống văn bản pháp quy về đấu thầu; còn để xảy ra tình trạng một số địa phương và Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu; một số dự án đầu tư còn vượt khả năng thực tế, không có đủ nguồn lực thực hiện nên kéo dài thời gian thi công…
TTCP cho rằng trách nhiệm để xảy ra những hạn chế trên thuộc về nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó trách nhiệm của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu…
TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư rà soát, chuyển sang đấu thầu rộng rãi đối với các dự án xin được chỉ định thầu nhưng chưa tiến hành thủ tục hoặc chưa thi công.
Sai phạm ở lựa chọn nhà thầu
TTCP cũng thông báo kết luận thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng đối với 14 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn tài trợ nước ngoài ở tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005-2011.
Đối với 10 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, có đến 8 dự án không có báo cáo kết quả thẩm định. Các dự án này ít nhiều có sai phạm ở việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Với 4 dự án mà TTCP trực tiếp làm việc, cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý, giảm trừ trong quyết toán gần 30 tỷ đồng.
TTCP đề nghị xử lý hành chính các khuyết điểm, sai phạm tại các dự án trên; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý, khắc phục thiếu sót trong quản lý đầu tư xây dựng.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ