|
Bị cáo trong một vụ án loạn luân |
Bố chồng “yêu ” con dâu – có phải là loạn luân?
Cuối tuần trước, dư luận xã hội đã
rúng động trước thông tin do một tờ báo mạng đưa ra, nói về mối quan hệ
tình cảm trai gái giữa bố chồng và con dâu ở Tiền Giang, dẫn đến hệ lụy
nực cười.
Về sau, thông tin này đã bị bác bỏ vì
không có nguồn chính xác, bịa đặt, nhưng dư âm vẫn còn rơi rớt lại sau
đó là dư luận xã hội lên án “hành vi loạn luân” của hai người trong câu
chuyện kia nói riêng và những mối quan hệ tình cảm khác diễn ra giữa bố
chồng – con dâu, mẹ vợ - con rể, bố mẹ nuôi – con nuôi, bố dượng/mẹ kế
với con riêng của vợ/ chồng vẫn nghe nói đến trong xã hội hiện nay nói
chung.
Nhìn chung, tất cả các mối quan hệ
tình cảm giữa những người trong gia đình, nhưng không cùng huyết thống
như vậy, về mặt đạo đức xã hội đều bị đánh giá là ngang trái, loạn luân,
thậm chí vi phạm pháp luật. Nhưng ở góc độ pháp luật, sự đánh giá này
hoàn toàn xuất phát từ cảm tính, cũng giống như cách gọi chung “loạn
luân” do nhiều người sử dụng mà thành.
Nhằm
điều chỉnh mối quan hệ tình cảm (nên hiểu rằng ở đây là tình cảm trai
gái, tình yêu giữa người nam và người nữ chứ không phải tình cảm yêu
thương trong gia đình thông thường) giữa bố chồng – con dâu, mẹ vợ - con
rể, bố mẹ nuôi – con nuôi, bố dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng,
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định cấm kết hôn: “giữa cha,
mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi,
bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ,
mẹ kế với con riêng của chồng” (Điều 10).
Quy
định này xuất phát từ quan niệm đạo đức, là một minh chứng cho sự kết
hợp giữa pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Nếu những người nêu trên
cố tình kết hôn thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 100-500 nghìn đồng theo
quy định của NĐ 87/2001/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
hôn nhân gia đình.
Quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn
Văn Cừ - Phó trưởng Khoa Dân sự, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, dư luận xã
hội, truyền thông gọi mối quan hệ giữa bố chồng – con dâu, mẹ vợ - con
rể, bố mẹ nuôi – con nuôi, bố dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng
là “loạn luân” là hoàn toàn không chính xác, bởi “loạn luân” là một phạm
trù hoàn toàn khác.
Về mặt đạo đức người Việt, đây là mối
quan hệ không nên có, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Còn về mặt pháp luật thì như đã nói tới ở trên. Trong lịch sử lập pháp
Việt Nam, chỉ có bộ luật Hồng Đức triều Lê gọi mối quan hệ giữa bố chồng
– con dâu, mẹ vợ - con rể… loạn luân.
Thế nào là loạn luân?
Theo từ điển, loạn luân là bất kỳ
hành vi tình dục nào với người có quan hệ họ hàng gần hoặc người trong
cùng gia đình. Dạng quan hệ tình dục nào và quan hệ có tính chất như thế
nào là vi phạm pháp luật và bị cấm kỵ thì khác nhau tùy theo nền văn
hóa và luật pháp nhưng hầu hết các xã hội coi loạn luân là điều cấm kỵ.
Điều 150 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy
định: “người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh
chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha,
thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”
Nhằm
giải thích sâu hơn để phục vụ cho việc tố tụng, Thông tư liên tịch số
01/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 về việc hướng dẫn áp dụng các
qui định tại chương XV - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình - của
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã chỉ rõ: “Loạn luân là việc giao cấu giữa
cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em
cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác”. Chiếu
theo những quy định này, trong thời gian gần đây đã có khá nhiều vụ án
loạn luân được xét xử.
Đối với trường hợp quy định tại điểm 4 Điều 10 cần hiểu
là ngoài việc cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, điều luật còn
cấm kết hôn giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi; đã
từng là bố chồng với con dâu; đã từng là mẹ vợ với con rể; đã từng là bố
dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng”
(Trích NQ số 02 của HĐTPTANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2000)
Điển hình như vụ ngày 18/7/2012, TAND
tỉnh Bình Phước xét xử bị cáo Lê Viết Tứ. Cáo trạng cho biết khi đi
uống rượu về, Lê Viết Tứ nhìn thấy con gái ruột là cháu Lê Thị Vân (11
tuổi) đang nằm ngủ trên phản gỗ ở trong nhà. Lợi dụng lúc vợ không có
nhà, Lê Viết Tứ đã có hành vi đe dọa và thực hiện hành vi giao cấu với
cháu Vân.
Theo phán quyết của tòa án, bị cáo Lê
Viết Tứ đã phạm tội với tình tiết định khung hình phạt “có tính chất
loạn luân” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 112 Bộ luật Hình sự, đã trực
tiếp xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm về tình
dục của trẻ em. Hay vụ TAND huyện Quan Sơn, Thanh Hóa xét xử bị cáo Ngân
Văn Túp vì hành vi quan hệ tình dục với con gái sinh năm 1983 của mình
từ khi con gái còn nhỏ tuổi.
TAND huyện Quan Sơn đã tuyên phạt bị
cáo Túp một năm tù về tội Loạn luân theo Điều 150 Bộ luật hình sự. Mới
đây nhất, báo chí đưa tin vụ án loạn luân giữa anh trai và em gái dẫn
đến người em có thai…
Loạn luân là hành vi phi nhân tính,
đáng bị lên án và trừng trị nghiêm khắc, nên cũng như nhiều quốc gia
khác, pháp luật Việt Nam có cùng quan điểm đặc biệt nghiêm trị. Bộ luật
Hình sự quy định nếu hành vi hiếp dâm có tính chất loạn luân, làm cho
phụ nữ có thai thì phải chuyển khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm (khung
1) lên 7 năm đến 15 năm tù (khung 2). Đối với tội hiếp dâm trẻ em nếu
có tính chất loạn luân hoặc làm cho nạn nhân có thai thì đây là những
tình tiết tăng nặng và đều phải chuyển khung hình phạt từ khung 1 lên
khung 2, với thời gian bị phạt từ 12 năm lên đến 20 năm…
Dương Nhi
Theo phapluatvn.vn