01/10/2012 09:34 AM

Hành vi như nhau, người được trả tự do còn người vẫn còn trong vòng lao lý.

Cuối năm 2011, báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc mua bán thuốc tân dược bị xử tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau đó, cơ quan tố tụng đã hướng dẫn TAND tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận miễn chấp hành hình phạt tù cho sáu phạm nhân theoThông tư 17. Tiếp đến, tháng 3-2012, TAND Tối cao có công văn chỉ đạo các TAND tỉnh, thành phối hợp với VKS và công an cùng cấp rà soát để miễn chấp hành hình phạt tù cho tất cả phạm nhân theo Thông tư 17. Theo đó, hành vi mua bán thuốc tân dược có thành phần ma túy nhằm mục đích kinh doanh, chữa bệnh thì không phải là tội phạm về ma túy. Nhưng do cách hiểu và vận dụng pháp luật không thống nhất dẫn đến nơi thì trả tự do, nơi tiếp tục giam giữ phạm nhân...

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh các phạm nhân mua bán thuốc tân dược bị xử tội ma túy được TAND tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận trả tự do trước thời hạn, nhiều người thấy thân nhân của họ cũng rơi vào trường hợp tương tự nên làm đơn đến VKS, TAND xin xem xét, giải quyết nhưng bị từ chối.

Đi tù vì mua bán tân dược

Đến tòa soạn phản ánh, gia đình phạm nhân Hứa Văn Vấn (bị kết án 20 năm tù, đang thụ án tại trại giam Xuyên Mộc) và Đinh Minh Lĩnh (bị kết án 15 năm tù, đang thụ án tại trại giam Kênh Làng Thứ Bảy - Kiên Giang) chất vấn: Tại sao hành vi tương tự nhưng sáu người được tha tù trước hạn còn người thân của họ lại không.

Hồ sơ của phạm nhân Vấn thể hiện: Đầu tháng 4-2006, Công an phường Tân Định, quận 1 (TP.HCM) kiểm tra nhà, phát hiện Vấn có hành vi tàng trữ trái phép thuốc tân dược và thuốc gây nghiện. Công an thu giữ 40 vỉ Rivotril, 12 vỉ Valium, năm vỉ Tamest, bảy lọ Lexomil và một số thuốc tân dược khác. Vấn bị khởi tố tội mua bán trái phép chất ma túy. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29-1-2007, HĐXX TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: Bị cáo Vấn ham lợi đã thu gom nhiều loại thuốc Tây có chứa thành phần chất ma túy để bán lại cho người khác nên án 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy với bị cáo là có căn cứ, đúng người đúng tội...

Mẹ và anh của phạm nhân Hứa Văn Vấn tiếp tục xin xem xét cho Vấn.Ảnh: TD

Trường hợp của Lĩnh, hồ sơ thể hiện: Tháng 5-2005, Nguyễn Văn On liên hệ với Lĩnh nhờ mua Ketamine (thuốc tân dược có thành phần chất ma túy) sang Campuchia bán kiếm lời. Lĩnh đã liên hệ người quen công tác trong ngành y mua được 18 lọ Ketamine và giao cho On. Tiếp đến, Lĩnh liên hệ với một dược sĩ của Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương nhờ mua hộ… Sau đó, Lĩnh và bốn người khác bị VKSND TP Cần Thơ truy tố. Hai cấp tòa phạt Lĩnh và các đồng phạm từ 15 năm tù trở lên về tội mua bán trái phép chất ma túy. Hiện họ đang thụ án ở các trại giam của Bộ Công an.

Bác đề nghị của trại giam

Sau khi chúng tôi phản ánh sáu trường hợp được tha tù trước hạn, gia đình Vấn có đơn kêu cứu và tháng 4-2010, Ban Giám thị Trại giam Xuyên Mộc có công văn gửi TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nơi đặt trại giam, theo hướng dẫn của TAND Tối cao), đề nghị miễn chấp hành hình phạt tù còn lại theo Thông tư 17 cho phạm nhân Vấn và hai phạm nhân khác. Năm tháng sau, chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn trả lời, nội dung là Vấn và hai phạm nhân bị kết án về tội mua bán trái phép chất ma túy, không đủ điều kiện để miễn chấp hành hình phạt tù theo Thông tư 17.

“Nhận được công văn trả lời của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gia đình tôi gần như buông xuôi. Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh một số phạm nhân được trả tự do đã thắp sáng lại hy vọng. Gia đình tiếp tục gửi đơn đến Ban Giám thị Trại giam Xuyên Mộc và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét…” - em trai Vấn nói. Nhận đơn, Ban Giám thị Trại giam Xuyên Mộc lại ra công văn gửi Vụ 4 - VKSND Tối cao, đề nghị xét lại bản án của Vấn. Ban giám thị trại nhận định phạm nhân Vấn chỉ mua bán thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, thuộc diện phạm tội khác, theo hướng có lợi cho bị cáo theo Thông tư 17.

Thế nhưng tại công văn ngày 28-10-2011 trả lời cho Ban Giám thị Trại giam Xuyên Mộc, Vụ 4 - VKSND Tối cao nêu: Vấn có hành vi thu gom nhiều loại thuốc Tây có chất gây nghiện để bán kiếm lời. Theo Nghị định 67/2001 của Chính phủ, các loại thuốc mà Vấn mua bán là các chất ma túy độc dược dùng trong thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực thể thao theo yêu cầu điều trị... Tòa đã xử Vấn tội mua bán trái phép chất ma túy là có căn cứ. Tiếp đến, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng căn cứ theo công văn của Vụ 4 nêu trên nên bác yêu cầu của gia đình phạm nhân Vấn.

Còn vợ phạm nhân Lĩnh cũng cho biết là cơ quan có thẩm quyền cũng trả lời là Lĩnh không thuộc diện xem xét…

Kiến nghị trả tự do

Chúng tôi đã chuyển hồ sơ của Vấn cho ông Nguyễn Đình Xuân (đại biểu Quốc hội khóa X, XI), người đã theo đuổi ba năm để kiến nghị cơ quan tố tụng tối cao miễn hình phạt tù còn lại cho phạm nhân Nguyễn Tiến Tùng bị kết án tù chung thân (Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh). Ông Xuân nói: Hành vi của Vấn giống Nguyễn Tiến Tùng là họ mua bán thuốc tân dược có thành phần ma túy chứ không phải mua bán trái phép chất ma túy như bản án đã tuyên. Tại phần nhận định của bản án phúc thẩm xử phạm nhân Vấn phản ánh rõ: Vấn đã thu gom nhiều loại thuốc Tây chứa thành phần chất ma túy để bán cho người khác để kiếm lời nhưng không xem xét tha tù trước hạn là chưa thỏa đáng.

“Các loại thuốc tân dược có thành phần ma túy mà Vấn mua bán tương tự các loại thuốc mà Nguyễn Tiến Tùng và các phạm nhân khác được TAND tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận áp dụng Thông tư 17 và hướng dẫn của TAND Tối cao để miễn hình phạt tù còn lại cho họ. Theo tôi, công văn Vụ 4 - VKSND Tối cao, công văn của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không giải quyết miễn trách nhiệm hình phạt tù là không đúng theo quy định tại Mục 3.5 Thông tư 17 và hướng dẫn của TAND Tối cao. Tôi sẽ có đơn kiến nghị gửi VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Ban Dân nguyện Quốc hội xem xét giải quyết trả tự do cho các trường hợp này” - ông Xuân khẳng định.

Chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là để chữa bệnh (chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy) và được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế. Người nào không thuộc đối tượng quy định tại Điều 201 BLHS mà vi phạm trong việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhằm mục đích kinh doanh thuốc chữa bệnh hoặc để chữa bệnh thì bị xử lý hành chính hoặc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác không phải là tội phạm về ma túy (ví dụ: tội kinh doanh trái phép, tội buôn lậu…). Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái phép nhằm thỏa mãn nhu cầu về sử dụng trái phép chất ma túy cho mình hoặc cho người khác thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật).

Theo Mục 3.5 Thông tư 17/2007

Chuẩn bị thi hành án

Ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên chủ hiệu thuốc Tây Hương Nhi ở đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM, mua bán thuốc tân dược gây nghiện bị TAND quận 3 phạt năm năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Do bị bệnh nặng, ông Sơn được hoãn thi hành án và ông đã làm đơn gửi TAND TP.HCM xem xét giải quyết cho ông được miễn chấp hành hình phạt tù. Hơn một năm qua, TAND TP.HCM chưa có công văn trả lời thì đầu tháng 9-2012, ông được TAND quận 3 mời lên để chuẩn bị thi hành án. Tá hỏa, ông đến TAND TP.HCM gặp cán bộ tòa án thì nơi này cho biết hồ sơ của ông bị thất lạc, yêu cầu ông làm lại từ đầu. Hiện TAND TP chưa có phản hồi về trường hợp này.

TRUNG DUNG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,669

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]