Nợ tập đoàn, tồn kho
Ba chuyên đề giám sát mà QH dự kiến tiến hành trong năm tới là chuyện trái phiếu Chính phủ, bảo vệ rừng và bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH kiến nghị thêm các vấn đề kinh tế “nóng” đang gây bức xúc với cử tri.
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Không có lý do gì mà QH lại không nắm được thực trạng sức khỏe các tập đoàn |
Ông Nghĩa phân tích, câu chuyện nợ nần của các “anh cả đỏ” trong nền kinh tế tuy đã được chất vấn nhiều nhưng chuyên gia và cử tri phàn nàn rằng tình hình nợ của các tập đoàn, tổng công ty chưa được báo cáo đầy đủ. Trong khi đó, đây lại là khu vực kinh tế chủ đạo, không có lý do gì mà QH, cơ quan quyền lực cao nhất lại không nắm được thực trạng sức khỏe của thành phần kinh tế này để giám sát, để cùng với Chính phủ, tập đoàn và tổng công ty giải quyết khó khăn.
“Anh nào không có bệnh thì chúng ta phòng bệnh, anh nào có bệnh thì chúng ta giúp sức để chữa bệnh và những anh nào cần cấp cứu thì chúng ta cũng kịp thời cấp cứu. Tránh tình trạng khi đổ vỡ, khi báo động đỏ, thậm chí là khi có nguy cơ phá sản QH mới bắt đầu quan tâm chất vấn và vào cuộc”, ông Nghĩa đề xuất.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề xuất QH chọn giám sát một vấn đề “nóng” về kinh tế đang được quan tâm, đó là chuyện nợ xấu, hàng tồn kho.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Công tác giám sát của QH cần có tính đột phá |
Theo ông Nghĩa, nếu chọn đúng việc, tìm đúng nơi, đi đúng người thì sẽ giám sát được nhiều lĩnh vực và hiệu quả cao. Ngoài ra, thành phần trong đoàn ngoài đại diện bộ ngành nên mời thêm chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của tổ chức xã hội.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên bổ sung, báo cáo kết quả giám sát của QH nhiều năm qua thiếu đi những ý kiến của cử tri, những bằng chứng độc lập.
“Chúng ta hầu hết chỉ đến nghe báo cáo từ các sở, ngành, các bộ và các cơ quan, đến chỗ này chỗ kia nghe báo cáo. Các số liệu đưa ra nhiều khi che giấu được thực tế ở địa phương”, ông Tiên phàn nàn.
Ông Tiên cũng tán thành các đề xuất của ĐB Trương Trọng Nghĩa.
“Phê” kết quả một số đợt giám sát của QH chưa sâu, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng cho rằng, các đoàn của QH phải đi xuống cơ sở và phải thu thập được ý kiến của nhân dân.
“Còn như vừa qua chỉ giám sát chủ yếu qua báo cáo. Cứ xuống làm việc, xong rồi đi về”, ông Vở góp ý.
Lấy ngay kết quả giám sát về khiếu nại đất đai vừa đọc trước QH hôm qua, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nói đây chỉ là ý kiến báo cáo từ địa phương lên mà chưa nghe được tâm tư của những người đi khiếu kiện oan sai. Do đó, ông Lịch đề nghị việc giám sát nên đi vào từng vụ việc cụ thể, vấn đề cụ thể thay vì nghe báo cáo chung chung.
Một số ý kiến khác cũng phàn nàn tình trạng đi cơ sở kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thành phần trong đoàn giám sát thường xuyên thay đổi khiến cho việc nắm bắt tình hình không hệ thống. Đặc biệt chỉ thấy nhiều đại diện bộ ngành mà vắng mặt chuyên gia độc lập.
Các ĐBQH cũng đề xuất việc đi giám sát phải đi đôi với gắn chặt trách nhiệm cá nhân thay vì nói chung chung “một số nơi, một số chỗ”. Đặc biệt, khi Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua, thì công tác giám sát của QH càng phải đổi mới thực chất hơn nữa để đánh giá đúng người đúng việc. Cơ quan chủ trì giám sát sau khi đi thực tế địa phương nên mời Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đến nghe kết quả và giải trình.
ĐBQH cũng kiến nghị tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa trước cử tri và tăng giải trình tại các ủy ban về những vấn đề bức xúc.
Nghị quyết về kế hoạch giám sát năm 2013 sẽ được biểu quyết vào cuối kỳ họp.
Năm 2013, QH sẽ giám sát 2/3 nội dung sau: Việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006-2012. |