02/11/2012 10:25 AM

Theo báo cáo Chính phủ về tình hình nợ công gửi tới Quốc hội, tổng số dư nợ công ở Việt Nam đang ở mức 55,4% GDP. Định hướng đến năm 2015 là không quá 65% GDP.

Trong số chủ nợ nước ngoài thì Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất (17%). Tiếp sau là Ngân hàng thế giới (13%), Ngân hàng Phát triển châu Á (8%).

Cũng theo số liệu tổng hợp đến cuối năm ngoái, tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 71,7 tỷ USD.

Về phát hành trái phiếu trong nước, năm 2010 đã phát hành được 68.292 tỷ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỷ đồng và dự kiến năm nay 120.000 tỷ đồng.

Đối với phần vốn vay nước ngoài của Chính phủ, một phần được đưa vào cân đối ngân sách (chiếm 68% dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ), một phần cho vay lại các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn (chiếm 32%).

Tổng trị giá vay nước ngoài của Chính phủ đã giải ngân để cho vay lại tương đương 12,6 tỉ USD. Dư nợ các dự án cho vay lại của Chính phủ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 32% dư nợ nước ngoài của Chính phủ, và bằng 8,5% GDP.

Trong đó, tập trung vào một số ngành là điện, dầu khí, công nghiệp tàu thủy, cấp nước, nông nghiệp, đường cao tốc, hàng không, cảng biển, công nghiệp, xi măng, phát triển hạ tầng đô thị…

“Nhìn chung, các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoạt động có hiệu quả thể hiện qua việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn”, báo cáo đánh giá.

Trong 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn đến cuối năm 2011 là 55 dự án với số dư nợ gốc quá hạn chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay lại.

Nguyên nhân chủ yếu do các biến động của thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với các dự án nông nghiệp, nông sản, tỷ giá ngoại tệ/VNĐ biến động mạnh theo hướng làm tăng dư nợ của các dự án vay lại bằng ngoại tệ...

Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định, chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước trong 10 năm qua luôn nằm trong giới hạn an toàn (dưới 20% tổng thu ngân sách nhà nước).

Theo dự kiến, vì nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng tăng, bên cạnh đó tăng trưởng kinh tế năm 2012 dự kiến chỉ đạt khoảng 5,2 - 5,7% (kế hoạch là 6,0 - 6,5%) nên xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo vẫn tiếp tục.

Chi phí vay nợ có xu hướng gia tăng, nhất là việc chuyển đổi các điều kiện vay áp dụng cho Việt Nam khi trở thành nước thu nhập trung bình. Trong cơ cấu danh mục nợ công hiện tại vẫn còn có một số rủi ro.

2015: Nợ không quá 65% GDP

Theo định hướng của Chính phủ, nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP. Trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.

Trong giai đoạn 2011-2015, tăng huy động vốn trong nước, kéo dài thời hạn vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước trung bình 4-6 năm, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay bên ngoài.

Chính phủ nhấn mạnh, sẽ tập trung huy động tối đa đối với nguồn vốn vay ODA, hợp lý đối với nguồn vay ưu đãi nước ngoài và thận trọng đối với các nguồn vay thương mại nước ngoài, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.

Vay thương mại nước ngoài của Chính phủ thực hiện theo nguyên tắc chỉ dành để cho vay lại đối với các chương trình dự án đầu tư có hiệu quả, trả được nợ, hạn chế sử dụng cho cân đối ngân sách nhà nước.

Mặt khác, định hướng sắp tới là chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ. Chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.

Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm và nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không được sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ cũng nêu 7 giải pháp sử dụng vốn vay hiệu quả: kiểm soát chặt việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại; tăng cường giám sát, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia, đặc biệt là phải minh bạch, công khai thông tin về nợ.

Ngọc Lê

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,677

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]