Những bài học đắt giá từ thế giới
Như nhiều người đã biết sự cố vỡ đập Bản Kiều (Trung Quốc) năm 1975 đã trở thành thảm họa đại hồng thủy lớn nhất trong lịch sử nhân loại khi có tới 175.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người khác mất nhà cửa. Đập Kelly Barnes (Mỹ) vỡ năm 1977 làm 39 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản lên đến 3,8 triệu USD. Đập hồ Lawn (Mỹ) bị sập vào năm 1982 với lượng nước tràn ra lên đến 830.000 m3làm thiệt hại kinh tế lên đến 31 triệu USD. Trước đó, đập Gleno (Italia) vỡ vào năm 1923 làm 356 người thiệt mạng. Thống kê cho thấy trên thế giới, trung bình cứ 100 đập thì có 1 đập bị sự cố, ngay cả ở các nước tiên tiến. Điều này chứng tỏ thủy điện luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Hiểu được điều này nên các quốc gia đều rất chú trọng qui trình quản lí an toàn đập. Có nhiều tiêu chí để chọn địa điểm xây đập như tuyến, nền đập, khả năng tích của bụng hồ chứa… Để đảm bảo an toàn, tiêu chí đầu tiên là nền đập tốt, có nghĩa là không có đứt gãy đang hoạt động. Theo tổng kết 500 công trình bị hư hỏng của Hội đập lớn thế giới (ICOLD), gần 70% vụ vỡ đập là do nền đập.
Bài học từ Thái Lan cũng cho thấy, khi xây dựng đập thủy điện sông Mun vào những năm 1990, do vội vã đánh giá tác động môi trường và xã hội đã gây ra những tổn thất to lớn. Thế giới đặc biệt quan tâm đến an toàn đập vì khác với các công trình hạ tầng khác, khi đập bị vỡ thì cả vùng rộng lớn ở hạ du bị tàn phá. Ở những nước phát triển, khá nhiều đập lớn được xây dựng trên dưới 100 năm nay, đã hết "vòng đời", đòi hỏi phải kiểm tra, xử lý an toàn đập kịp thời và nghiêm túc.
Việt Nam thiếu qui chuẩn quốc gia về xây dựng thủy điện
GS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, qui trình xây dựng thủy điện ở Việt Nam "có vấn đề". Mục đích xây dựng thủy điện nhằm sử dụng năng lượng nước, do vậy phải tuân thủ mục tiêu sử dụng tổng hợp nguồn nước. Bất cập lớn nhất dẫn đến nhiều hậu quả xấu sau khi xây dựng thủy điện ở Việt Nam là quy hoạch thủy điện không tuân thủ quy hoạch lưu vực sông dẫn đến mùa lũ không cắt được lũ, mùa khô lại thiếu nước cho hạ du vì phải tích để phát điện.
Thạc sĩ Trần Thị Huệ - Trưởng phòng Quản lí qui hoạch và khai thác tài nguyên nước (Cục Quản lí tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết dù là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, nhưng chính họ cũng luôn bị đặt vào thế sự đã rồi. "Khi Bộ Công thương làm quy hoạch thủy điện thì cơ quan quản lí nguồn nước là Cục Quản lí tài nguyên nước không được lấy ý kiến. Sự phối hợp giữa các Bộ là rất lỏng lẻo. Nhiều công trình bắt tay xây dựng rồi mới chuyển hồ sơ sang Cục xin giấy phép. Chúng tôi rơi vào thế bị động khi "sự đã rồi", không biết giải quyết thế nào".
Đáng nói hơn, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn quốc gia về xây dựng thủy điện (các Bộ tự đưa ra các quy chuẩn riêng), chưa có tiêu chí đập bê tông đầm lăn, cũng chưa có tiêu chí về động đất kích thích. Hội đồng nghiệm thu công trình làm việc theo đơn đặt hàng của chủ đầu tư, dẫn đến mất tính độc lập, khách quan. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ hữu hiệu trong việc phê duyệt các dự án có ảnh hưởng tới môi trường, sinh kế xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều bản ĐTM đã được "phù phép", dễ dàng qua mặt cơ quan thẩm định. ĐTM cũng được làm theo đơn đặt hàng của chủ đầu tư, chỉ để "hợp pháp hóa" dự án.
Trường hợp thủy điện Sông Tranh 2, theo GS Hồng, chính Bộ Tài nguyên - Môi trường công nhận không có tiêu chí đánh giá động đất kích thích, có nghĩa công nhận chủ đầu tư làm đúng. Các thủy điện vừa và nhỏ hiện nay được xây dựng thành các bậc thang, trong khi Việt Nam chưa có qui chế vận hành liên hồ chứa (hiện mới xây dựng cho các đập Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang). Bởi vậy, nếu trong mùa lũ, các đập cùng đồng loạt xả lũ sẽ dẫn đến lũ chồng lũ, có nguy cơ vỡ đập.
Nhóm các chuyên gia, nhà khoa học đi khảo sát tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. |
GS Hồng cũng nhấn mạnh: "Với những thủy điện vừa và nhỏ, hệ số an toàn đưa vào thiết kế là nhỏ, có nghĩa về bản chất, thiết kế thủy điện vừa và nhỏ là kém an toàn so với thủy điện lớn. Mặt khác, những thủy điện này hầu hết do tư nhân đầu tư. Do không có kinh nghiệm làm thủy điện nên chủ đầu tư chỉ thuê một số chuyên gia, mua máy móc thiết bị Trung Quốc giá rẻ, ăn bớt quy trình khảo sát, giảm thí nghiệm hiện trường, bớt xén các chỉ tiêu thí nghiệm nhằm giảm chi phí thiết kế. Chất lượng công trình kém do không đủ trình độ giám sát lúc thi công. Khoảng 10 - 20 năm sau, nhiều thủy điện nhỏ bị đổ vỡ hoặc nếu còn hoạt động sẽ lâm vào tình trạng không có nước".
GS Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ nông nghiệp - Phát triển Nông thôn lại chỉ ra một bất cập khác trong việc nghiệm thu đập trước khi đưa vào sử dụng. Theo GS Giang, Việt Nam hiện có khoảng hơn 2.000 đập (trong đó có thủy điện), mỗi đập tạo hồ chứa có dung tích từ 0,2 triệu m3 đến 9,8 tỷ m3. Theo Ủy hội Đập lớn Thế giới, đập có chiều cao dưới 15m là đập nhỏ, từ 15m đến 50m được coi là "vừa", trên mức này là đập lớn. Chính phủ đã ban hành Nghị định72/2007/NĐ-CPngày 7/5/2007 về an toàn đập, tuy nhiên lại chưa có những văn bản và qui định pháp lý cần thiết để thực hiện đầy đủ Nghị định. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật do Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hà Lan, Ngân hàng Thế giới (WB)... thực hiện mới chỉ giúp khảo sát và kiểm tra an toàn một số đập.
Trả lời thắc mắc của PV Báo CAND về quy trình nghiệm thu đập, Bộ Công thương cho biết hiện việc này được giao cho chủ đầu tư, trừ những công trình lớn hoặc có nguồn vốn công thì phải thông qua Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Bởi vậy, với nhiều công trình, khâu nghiệm thu vẫn còn mang tính hình thức, không đủ tin cậy để đánh giá về mức độ an toàn. Nhiều nhà khoa học tỏ ra quan ngại sâu sắc về vấn đề kiểm định an toàn đập, vì chúng ta đã có nhiều bài học từ những sự cố vỡ một số đập nhỏ đã xảy ra từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước như: Am Chúa, Suối Hành (Khánh Hòa)… Các sự cố ở đập Hố Hô (Quảng Bình), Khe Mơ (Hà Tĩnh), Đakrông (Quảng Trị), Tây Nguyên (Nghệ An)... đến những sự cố gần đây.
Hà Ly - Vũ Hân