Cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kê đơn thuốc điện tử chậm nhất trước 01/12/2022 (ảnh minh họa)
Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 27/2021/TT-BYT có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Nội dung và việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử
- Đối với người bệnh ngoại trú:
+ Trường hợp kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT và Thông tư 18/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2017/TT-BYT;
+ Trường hợp kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 44/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược.
- Đối với người bệnh nội trú ra viện:
+ Trường hợp kê đơn trong phần ghi chú của Giấy ra viện: thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế;
+ Trường hợp kê đơn theo mẫu đơn ngoại trú: thực hiện như quy định đối với người bệnh ngoại trú nêu trên.
(Căn cứ Điều 2 Thông tư 27/2021/TT-BYT).
Lộ trình thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử
Theo Điều 6 Thông tư 27/2021/TT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT theo lộ trình cụ thể như sau:
- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: hoàn thành trước ngày 30/06/2022.
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 01/12/2022.
Thông tư 27/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
Như Mai