24/08/2011 08:23 AM

TT - Trang Pháp luật & cuộc sống nhận được thư nhờ giúp đỡ của bạn đọc Lại Thị Hậu (24 tuổi, ở phường Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai) về việc chị bị tai nạn giao thông, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, thế nhưng đến nay đã hơn chín năm chị vẫn chưa được bồi thường.

Chị Lại Thị Hậu cùng con trai đầu - Ảnh: Tr.Tân

Ngày 1-5-2002, chị Lại Thị Hậu, khi đó mới 15 tuổi, được một người bạn chở đi photo tài liệu ôn thi vào lớp 10. Đến đoạn cầu Ia Soi (phường Trà Bá) thì xe của hai người bị anh N.Đ.L. (phường Hoa Lư) say rượu lái xe tông phải. Chị Hậu và người bạn bị thương.

Đổ nợ vì con

Gần hai năm trời, cha mẹ chị Hậu đưa con đi hết bệnh viện ở Gia Lai đến các bệnh viện ở TP.HCM để chữa trị. Ra viện, vì đau yếu và bỏ học đã lâu, chị Hậu đành nghỉ học. Ông Lại Văn Ngọc, cha chị Hậu, cho hay trước đây ông làm nghề thợ sắt, vợ buôn bán nên cuộc sống gia đình cũng ổn định. Nhưng khi chị Hậu bị tai nạn, mọi việc của ông bà đều gác lại để chăm con. Cùng thời điểm đó, tiền vay nợ ngân hàng kinh doanh đến hạn trả nên phải vay nóng thêm ở ngoài để đáo hạn. Lúc con bình phục được sức khỏe tương đối thì gia cảnh ông bà kiệt quệ.

Sau khi đi chữa trị cho con về thì gia đình ông lại nay công an gọi, mai tòa án kêu nên phải đi suốt. Thế nhưng mãi đến bốn năm sau, ngày 21-7-2006 Tòa án nhân dân TP Pleiku mới đưa vụ án đòi bồi thường ra xét xử sơ thẩm và buộc người giám hộ cho N.Đ.L. phải bồi thường tổng cộng cho chị Hậu hơn 17 triệu đồng. Ngày 28-9-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã y án sơ thẩm nhưng có chỉnh lại số tiền cho đúng là hơn 16 triệu đồng. Tòa cũng tuyên chị Hậu có quyền khởi kiện đòi bồi thường nếu sau này vết thương do tai nạn tái phát.

Thi hành án... khất lần!

Chị Hậu hiện đã lập gia đình và có hai cháu nhỏ. Chị cho biết: “Tôi cùng ba mẹ lên xuống không biết bao nhiêu lần từ tòa án đến thi hành án mà người ta vẫn ù lì không bồi thường. Dạo gần đây mặt và tay chân tôi đau ê ẩm trở lại. Bác sĩ khuyên hằng năm phải đi tái khám một lần nhưng lấy tiền đâu để đi nên tôi chỉ mua thuốc giảm đau để uống. Theo bản án phúc thẩm thì tôi được quyền đòi bồi thường thêm nếu vết thương tái phát nhưng họ ù lì vậy tôi đòi thêm gì được”.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ chị Hậu, nói thêm: “Mới đây tôi có gọi điện lên Chi cục Thi hành án Pleiku để hỏi việc giải quyết đến đâu. Người ta bảo anh Phong (ông Trần Văn Phong, nguyên chi cục phó Chi cục Thi hành án Pleiku, người trực tiếp thụ lý vụ việc của chị Hậu, nay đã chuyển về làm chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Chư Păh, Gia Lai - PV) đã chuyển công tác nên đang xem xét. Vậy là chúng tôi tiếp tục phải chờ và không biết đến bao giờ nữa!”.

Ông Lê Tiến Duẩn, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku, cho biết: sau khi ông Phong chuyển đi vào tháng 5-2009, ông là người tiếp nhận hồ sơ vụ chị Hậu, nhưng vì nhiều việc quá cũng chưa làm tới được! Theo ông Duẩn, cơ quan hiện chỉ có 18 người, gồm cả lãnh đạo nhưng số lượng hồ sơ lên đến hàng ngàn. Riêng ông, số hồ sơ phải giải quyết hằng tháng là 50 bộ, số hồ sơ tồn các năm là 600 bộ.

Ông Duẩn nói: “Tôi cũng đã một lần vào địa phương nơi ông Vận (người phải thi hành án) sống thì họ xác nhận gia đình này không có công ăn việc làm ổn định, còn đất đai đang trong khu giải tỏa nên rất khó giải quyết. Hơn nữa, số tiền của ông Vận phải bồi thường quá nhỏ, không tương xứng so với tài sản của ông ấy nên việc yêu cầu cưỡng chế rất khó, chỉ động viên ông Vận tự nguyện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc chậm trễ giải quyết việc này. Khi nghe thông tin từ báo Tuổi Trẻ là gia đình bà Nga đang trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng tôi sẽ gấp rút xử lý ngay. Chúng tôi sẽ cho vợ chồng ông Vận 10 ngày để tự nguyện thi hành án, nếu không được chúng tôi sẽ dùng biện pháp cưỡng chế”.

Cục trưởng Cục Thi hành án chỉ đạo “làm gấp rút”

Trao đổi với chúng tôi về sự việc “khất lần” chuyện thi hành án đối với gia đình bà Nga suốt chín năm qua, ông Phan Văn Sum - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Gia Lai - cho biết: “Sự việc này Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku chưa báo cáo Cục Thi hành án, nhưng tôi sẽ điện nói anh em làm gấp rút. Vụ việc không quá phức tạp nên việc thi hành án dễ giải quyết. Tuy nhiên, do lượng hồ sơ thi hành án quá nhiều nên anh em có lơ là”.

Ngày 22-8, bà Nga cho biết đã nhận được 9 triệu đồng tiền bồi thường từ gia đình ông Vận, đến ngày 15-9 sẽ nhận khoản còn lại và tiền lãi của bốn năm qua.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc “khất lần” chuyện thi hành án đối với gia đình bà Nga suốt chín năm qua, ông Phan Văn Sum - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Gia Lai - cho biết: “Sự việc này Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku chưa báo cáo Cục Thi hành án, nhưng tôi sẽ điện nói anh em làm gấp rút. Vụ việc không quá phức tạp nên việc thi hành án dễ giải quyết. Tuy nhiên, do lượng hồ sơ thi hành án quá nhiều nên anh em có lơ là”.

Ngày 22-8, bà Nga cho biết đã nhận được 9 triệu đồng tiền bồi thường từ gia đình ông Vận, đến ngày 15-9 sẽ nhận khoản còn lại và tiền lãi của bốn năm qua.

TRUNG TÂN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,961

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]