Nếu “mở cửa” mời các chuyên gia, các nhà khoa học, thì kinh phí cho công tác thẩm định VBQPPL liệu có đủ sức thu hút sự tham gia của những tên tuổi đáng tin cậy vào công tác này?.
Chưa dự báo được tính khả thi
Hậu quả nhìn thấy ngay là thời gian gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng “không dám” thi hành vì vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân và dư luận.
Tại báo cáo tổng kết công tác năm 2012, ngành Tư pháp cho biết, trong năm Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 10.184 VBQPPL, trong đó tập trung vào các VBQPPL nhằm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp và các VBQPPL để thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Chính sách ban hành ra mà cái lợi không bằng chi phí thì đừng làm - Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo VBQPPL. Cần hết sức lưu ý thẩm định tính phù hợp, khoa học, khả thi của các thủ tục hành chính, gắn với kiểm tra thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Hệ thống thể chế, chính sách phải có tính dự báo và ổn định cao hơn để người dân và DN định hướng đầu tư, phân bổ nguồn lực và dự tính được hiệu quả. Chính sách khi ban hành ra mà tác động đến đối tượng nào thì phải hết sức chú ý việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của cơ chế, chính sách sẽ ban hành. Có khi một chính sách ban hành ra mà cái lợi không bằng chi phí, hiệu quả thấp thì chúng ta đừng làm. |
Cũng trong thời gian này, công tác kiểm tra, các bộ, ngành, địa phương, cấp chức năng phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có 1.394 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung, bằng 13,9% tổng số văn bản đã phát hiện có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp. Như vậy, có rất nhiều văn bản sau khi qua được vòng thẩm định mới bị phát hiện chưa đảm bảo tính hợp pháp.
Nhìn nhận về thực tế này, Bộ Tư pháp cho rằng, nguyên nhân là do một số nội dung thẩm định mới chỉ tập trung về mặt pháp lý, chưa chú trọng đúng mức đến khía cạnh kinh tế - xã hội của dự thảo văn bản.
Vẫn còn tình trạng chưa dự báo được tính khả thi của văn bản. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, nhất là còn tư duy pháp lý thuần tuý, chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một nguyên nhân khác cũng được kể ra là ngân sách phục vụ công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL chưa tương xứng, nhất là đối với các văn bản, đề án quan trọng như dự án luật, pháp lệnh, làm hạn chế khả năng nghiên cứu, phân tích chính sách và khả năng mở rộng dân chủ thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân và của các chuyên gia, các nhà khoa học vào quá trình soạn thảo văn bản trước khi trình ban hành.
Cần gắn kết hiệu quả giữa xây dựng và thực thi pháp luật
Để thực sự trở thành ”người gác cổng” tin cậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tư pháp đặt ra cho năm 2013 là: ”Tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định VBQPPL, chú trọng tới tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản, nhất là các VBQPPL nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Giải pháp cho nhiệm vụ trọng tâm này: “Mở rộng và tăng cường việc thẩm định dự thảo VBQPPL, kể cả dự thảo các điều ước quốc tế thông qua cơ chế Hội đồng thẩm định; tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức vào công tác thẩm định, khắc phục tình trạng “khép kín” trong quá trình thẩm định VBQPPL”.
Rõ ràng, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, cải tiến phương pháp làm việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định văn bản QPPL, muốn nâng cao chất lượng thể chế, chính sách thì việc xây dựng, thực thi và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong thực tế phải là một dòng chảy liên tục.
Một văn bản QPPL không đáp ứng yêu cầu “lọt” qua được vòng thẩm định phải bị “tuýt còi” ngay khi có phản hồi của dư luận. Mà văn bản đã bị “tuýt còi” rồi thì thủ tục tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp phải nhanh chóng, kịp thời.
Có như thế, chất lượng VBQPPL mới ngày càng được nâng cao, thực sự là khuôn khổ pháp lý để thu hút và tạo dựng, củng cố niềm tin của người dân, DN.
Hồng Thúy