Bộ Y tế đề xuất chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/06/2022 16:41 PM

Tại Dự thảo Tờ trình nêu tại Công văn 3168/BYT-DP ngày 17/6/2022 về xin ý kiến dự thảo Đề xuất biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế đề xuất chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế đề xuất chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam

Bộ Y tế đề xuất chưa thể công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Bộ Y tế cho rằng chưa công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam thông qua các căn cứ sau đây:

1. Căn cứ pháp lý

- Việc công bố dịch, công bố hết dịch tại Việt Nam quy định tại Mục 1, Chương IV, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễmQuyết định 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016.

Theo đó, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: 

+ Triển khai các biện pháp chống dịch quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

+ Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày.

- Tại Việt Nam, ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc thay thế Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020.

2. Đánh giá dịch COVID-19 của WHO

Ngày 11/4/2022, Ủy ban khẩn cấp Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) tổ chức họp về đại dịch COVID-19 đã nhận định đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đáng quan ngại và tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân trên thế giới, vẫn tiếp tục gây nguy cơ, gián đoạn thông thương quốc tế và cần có sự phối hợp, đáp ứng quốc tế. 

3. Đánh giá dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, những ngày gần đây ghi nhận số ca mắc giảm mạnh, còn khoảng trên 1.000 ca mắc/ngày tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Tuy nhiên trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước có xu hướng gia tăng trở lại, vi rút liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

4. Khó khăn khi công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Khi tình huống dịch xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế khi đó việc kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.

- Nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 không được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bệnh sẽ không được hưởng chi trả điều trị COVID-19 miễn phí, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

- Không có cơ chế áp dụng đặc thù đối với vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

- Việc huy động sự tham gia của Chính quyền các cấp, các Tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không được quan tâm đúng mức cũng như người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.

- WHO vẫn còn cảnh báo tình trạng đại dịch trên toàn cầu và tại Việt Nam (quốc gia thành viên của WHO) vẫn còn ghi nhận số mắc cao hàng ngày tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Do đó phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các khuyến cáo của WHO. 

Việc duy trì công bố dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ huy động được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị tham gia vào công tác chống dịch, bố trí kinh phí đầy đủ cho các hoạt động chống dịch không để bị động khi xuất hiện biến thể mới nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2 vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Trong thời gian chưa công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch, nhất là những nơi đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 với số mắc, tử vong ở mức thấp trong thời gian dài và có khả năng đáp ứng tốt, sẽ thực hiện đánh giá ngưỡng kiểm soát dịch theo các tiêu chí để quyết định các biện pháp đáp ứng phù hợp. 

Đối với trường hợp đạt các tiêu chí dưới ngưỡng kiểm soát dịch, xem xét điều chỉnh áp dụng các biện pháp tương tự như với bệnh truyền nhiễm lưu hành phổ biến khác.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ và có điều chỉnh phù hợp khi có những diễn biến mới.

Xem chi tiết tại Công văn 3168/BYT-DP ngày 17/6/2022.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,539

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]