Đề xuất: Bị kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Hình từ internet)
Theo Dự thảo đề cương Luật Việc làm sửa đổi, các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Hiện nay, theo khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013, các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Như vậy, Dự thảo đề cương Luật Việc làm sửa đổi đã bổ sung trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các trường hợp không được hỗ trợ học nghề tại Dự thảo đề cương Luật Việc làm sửa đổi gồm:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Hiện nay, tại Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm 2013 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
* Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013, cụ thể:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
* Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Dự thảo đề cương Luật Việc làm sửa đổi đã bổ sung trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được hỗ trợ học nghề.
Dự thảo đề cương Luật Việc làm sửa đổi đã bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm:
- Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;
- Lao động thuộc huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Hiện nay, theo Điều 20 Luật Việc làm 2013, người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ:
- Học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động;
- Đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động;
- Vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Diễm My