Nghị quyết 144/NQ-CP về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Nghị quyết 144/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Chính phủ ban hành ngày 05/11/2022.
Cụ thể, về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:
Cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 bằng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) trong đó:
- Tiền khám bệnh, tiền giường và tiền dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế:
Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá theo quy định hiện hành.
- Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế:
Việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Bên cạnh đó, cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày Nghị quyết 144/NQ-CP có hiệu lực (05/11/2022).
Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết 144/NQ-CP có hiệu lực (05/11/2022).
Các cơ quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có trách nhiệm đánh giá, kết luận theo quy định pháp luật và Nghị quyết 144/NQ-CP, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, địa phương, bảo vệ các tổ chức, cá nhân thực hiện công khai, minh bạch, không tiêu cực trong mua sắm, đấu thầu.
Đơn cử, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chuẩn bị việc đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nội dung về đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế 2008, Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế;
- Sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2021/TT-BYT quy định mẫu văn bản, báo cáo thực hiện Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập và Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về mua sắm, đấu thầu, đặc biệt là các vấn đề về thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm; về quản lý, sử dụng phí cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế.
Nghị quyết 144/NQ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Châu Thanh