Áp dụng chế độ nghỉ thai sản 6 tháng
Một trong những điểm nổi bật trong Bộ Luật lao động 2012 là quy định mới về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ.
Theo đó, thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng thay vì 04 tháng như quy định cũ, trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Việc chi trả chế độ thai sản được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1477/BHXH-CSXH vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
Ngoài ra, BLLĐ 2012 cũng quy định: người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong 5 ngày tết âm lịch (theo quy định cũ chỉ được nghỉ 4 ngày); người lao động không được làm thêm quá 30h/tháng và 200h/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định…
Chính thức có chức danh cô đỡ thôn bản trong ngành y
Tại Hội nghị quốc tế triển khai Thông tư số 07/2013/TT-BYT, nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (cô đỡ thôn, bản) chính thức là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam.
Theo đó, cô đỡ thôn, bản cũng sẽ được hưởng chế độ phụ cấp mức 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung và trợ cấp thêm hằng tháng; đồng thời được trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định.
Tuy nhiên, theo Thông tư 07, Bộ y tế yêu cầu cô đỡ thôn, bản phải hoàn thành khóa đào tạo có thời gian từ 06 tháng trở lên.
Bắt buộc in hình ảnh cảnh báo tác hại trên bao thuốc lá
Theo quy định tại Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT, trên mỗi vỏ bao thuốc lá, các công ty sản xuất phải in hình ảnh cảnh báo các nguy hại đến sức khỏe với diện tích tối thiểu 50% bề mặt trước và sau của bao thuốc lá.
Các mẫu cảnh báo sức khỏe được ban hành tại Phụ lục kèm theo Thông tư và phải được thay đổi định kỳ 02 năm một lần.
Cũng từ đầu tháng 5 này, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá 2012 cũng chính thức có hiệu lực.Theo đó, Luật đề cập đến các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá...; chính sách hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện và các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá.
Nhà hàng nổi phải trang bị đủ phao cứu sinh
Trong vòng 03 tháng kể từ ngày 01/5/2013, các nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị phao áo cứu sinh đủ cho 100% số người trên tàu và phải được bố trí trong phòng ngủ, phòng ăn, phòng bar một cách phù hợp.
Số phao trẻ em là 30% số lượng khách, số lượng phao tròn tối thiểu là 8 chiếc, trong đó 4 chiếc có dây ném; mỗi mạn bố trí 04 chiếc, trong đó, 2 chiếc có dây ném.
Đây là những nội dung được quy định tại Thông tư 43/2012/TT-BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Cũng theo thông tư, ngoài các điều kiện nói trên, trang bị cứu sinh của tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng, khách sạn nổi còn phải thỏa mãn các yêu cầu được nêu trong TCVN 5801:2005.
Thùy Dương
Nguồn ảnh: Internet