Một vài con số đáng suy ngẫm về ngành sổ xố

07/05/2013 11:38 AM

Hiện có hơn 300.000 người đang làm việc trong ngành xổ số Việt Nam, theo thống kê mới đây của Bộ Tài chính.

Từ năm 2007-2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu và nộp ngân sách từ hoạt động xổ số đạt bình quân trên 15%/năm. Riêng năm 2012, doanh thu toàn ngành là gần 54.000 tỉ đồng. Trong đó, nộp ngân sách nhà nước 16.620 tỉ đồng, tương đương 30,7% doanh thu.

Về phía đại lý bán vé, tổng thu nhập họ được hưởng khoảng 12-13%, tức gần 6.500 tỉ đồng. Sau khi trừ 15% chiết khấu lại cho người bán vé số dạo, thu nhập còn lại của các đại lý sẽ vào khoảng 5.500 tỉ đồng, một con số không nhỏ.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và là một chuyên gia nghiên cứu về tài chính khu vực công, cho biết nguồn thu từ xổ số đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách của một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ước tính bình quân giai đoạn 2008-2010, nguồn thu từ xổ số kiến thiết đã chiếm đến hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước của các địa phương này. Cá biệt như Hậu Giang lên đến gần 48%, Vĩnh Long hơn 46%.

Tuy vậy, điều này có thể chỉ mới phản ánh mặt tích cực của hoạt động xổ số. “Việc nguồn thu từ xổ số chiếm một tỉ trọng quá lớn và quá quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách của địa phương cho thấy nhiều điều không ổn, cả về kinh tế, ngân sách lẫn xã hội”, ông Tuấn nói.

Việc một số tỉnh phụ thuộc vào nguồn thu xổ số có thể phản ánh một thực tế là các tỉnh này đang không có những hoạt động kinh tế quan trọng, thực sự mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, mà phải dựa vào một nguồn thu hết sức đơn giản như kinh doanh vé số.

 
 Hình minh họa

Theo Nghị quyết 68/2006/NQ-QH11 của Quốc hội, tiền thu từ xổ số kiến thiết sẽ được dùng để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương, trong đó tập trung vào các công trình giáo dục, y tế.

Dù đã có quy định khi quyết toán ngân sách, địa phương phải có báo cáo riêng về thu, chi từ nguồn xổ số nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa công bố các báo cáo này. Vì thế, không thể biết rõ liệu nguồn thu từ xổ số có được dùng để đầu tư vào các công trình phúc lợi theo đúng tinh thần nghị quyết hay không. Và nếu có rót vào thì liệu có rót đúng, rót đủ?

Nghị quyết cũng ghi rõ: “Không sử dụng số thu này vào các mục đích khác”. Nhưng thực tế cho thấy việc sử dụng không đúng mục đích đã xảy ra. Đơn cử là trường hợp Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai đang nắm khoảng 6,61% cổ phần của Ngân hàng Đại Á.

Trên khía cạnh xã hội, cũng có một số vấn đề đáng suy ngẫm. Một điều dễ nhận thấy, ngoài một bộ phận người mua vé số là người giàu, có một tỉ lệ không nhỏ là người nghèo, những người tham gia với ước mơ đổi đời.

Theo ông Tuấn, ước muốn đó quá mong manh và thậm chí còn khiến họ nghèo thêm, vì theo lý thuyết kinh tế, về mặt dài hạn và tính toán dựa trên số đông, người chơi rất khó có cơ hội chiến thắng. Người thắng cuộc vẫn là nhà cái, tức các công ty xổ số và đại lý vé số.

Trích đăng từ Nhịp cầu Đầu tư

(Tiêu đề do THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đặt lại) 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,816

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]