Sau hơn 3 năm, nay vụ án bất ngờ bị CQ ĐT xoay ngược tình thế khi người bị tố cáo lại thành bị hại, người đi tố cáo lại trở thành bị can của vụ án.
Loạn kết luận giám định
Người tố cáo thành bị can
Vụ án liên quan đến giấy nhận nợ ghi ngày 31/5/2008 giữa bà Nguyễn Thị Hợi và bà Nguyễn Thị Thoa. Theo nội dung ghi trong giấy nhận nợ, bà Hợi cho bà Thoa vay 1,9 tỷ đồng. Khi đưa giấy ra để đòi nợ, cho rằng bà Hợi tạo dựng giấy nhận nợ giả để lừa mình lúc ốm đau, bệnh tật, bà Thoa tố cáo bà Hợi đến Công an tỉnh Lào Cai.
Sau quá trình xác minh và thu thập chứng cứ, ngày 8/1/2009, Công an tỉnh Lào Cai khẳng định: Sau khi cho giám định chữ ký viết trên giấy biên nhận ngày 31/5/2008 mà bà Hợi đem ra đòi nợ so với mẫu chữ ký của bà Thoa thì không phải do một người ký ra. Hơn nữa, “ngày 30/12/2008, Đỗ Thùy Dung, con gái bà Nguyễn Thị Hợi công nhận chữ viết trên giấy biên nhận ngày 31/5/2008 là do Đỗ Thùy Dung viết và trong biên bản làm việc hồi 12 giờ ngày 6/1/2009 bà Hợi đã nhận: Trên cơ sở pháp lý biên nhận ngày 31/5/2008 thì bà Hợi sai”- văn bản số 06 của CQ ĐT nêu rõ.
Tưởng mọi chuyện đã rõ, nhưng sau đó vụ việc bất ngờ bị “chìm xuồng” khi Công an tỉnh Lào Cai không tiến hành các bước tố tụng tiếp theo mà … giao bản gốc giấy biên nhận ngày 31/5/2008 - vật chứng quan trọng của vụ án- cho đối tượng đang bị tố cáo là bà Hợi để khởi kiện bà Thoa ra Tòa Dân sự. Phát hiện vi phạm, ngày 28/1/2010, VKSND tỉnh Lào Cai “thổi còi” đề nghị chuyển hồ sơ về Phòng Phòng CSĐTTP về TTXH Công an Lào Cai để giải quyết lại.
Sau hơn 3 năm, nay vụ án bất ngờ bị CQ ĐT xoay ngược tình thế khi người bị tố cáo thì thành bị hại, người đi tố cáo lại trở thành bị can của vụ án. Trong văn bản số 23 ngày 24/2/2013, CQĐT Công an tỉnh Lào Cai gửi cho gia đình bà Thoa (người tố cáo) mới đây thông báo ngắn gọn: Đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thoa (sinh 1960) vì đã có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” phạm vào Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Bà Thoa tại Lễ tuyên dương những nhà hảo tâm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục
Biết tin vào kết luận nào?
Có thể nói, cơ sở để khởi tố bị can, CQĐT Công an Lào Cai đang dựa vào 3 bản kết luận mà họ đánh giá là “có giá trị pháp lý” gồm: Kết luận giám định số 1663 ngày 16/6/2011 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh; Kết luận giám định số 246 ngày 29/8/2012 và Kết luận giám định 3549 ngày 7/12/2012 của Viện KHHS Bộ Công an. Trong các bản kết luận mà CQ ĐT đang “vin” vào thể hiện chữ ký, chữ viết dưới mục người vay trên giấy biên nhận tiền ngày 31/5/2008 lại là “do bà Thoa ký và viết ra” trong khi hàng loạt những bản kết luận giám định thể hiện việc tố cáo của bà Thoa là có cơ sở thì CQ ĐT không xem xét.
Tại Kết luận số 14 ngày 16/1/2013 của Phòng kỹ thuật Hình sự Công an TP. Đà Nẵng giám định, so sánh giữa chữ ký và chữ viết Nguyễn Thị Hợi tại “Biên bản thanh toán công nợ ngày 6/12/2008” và “Văn bản xác nhận sự việc giữa Thoa và Hợi ngày 6/12/2008” với chữ ký đứng tên Nguyễn Thị Hợi trên “Hợp đồng thế chấp sử dụng đất ghi ngày 2/8/2007” và một số mẫu khác được thu thập từ UBND thị trấn Sa Pa, Công an thị trấn Sa Pa cho kết quả: “Chữ ký và chữ viết “Nguyễn Thị Hợi” tại góc dưới bên trái trên các tài liệu cần giám định với chữ ký và chữ viết “Nguyễn Thị Hợi” trên các tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người ký và viết ra. Tài liệu cần giám định không bị tẩy xoá, sửa chữa và viết chèn viết thêm ”.
Thêm nữa, sau khi giám định “Bản xác nhận sự việc giả mạo giấy nhận nợ ngày 31/5/2008 của bà Hợi” có chữ ký của bà Hợi, so sánh với một số chữ ký của bà Hợi được ghi trong “Tờ khai đăng ký lại việc sinh ngày 4/1/2011” và “Sổ đăng ký kết hôn” thu thập từ UBND thị trấn Sa Pa, cơ quan này cũng đi đến kết luận “Chữ ký và chữ viết “Nguyễn Thị Hợi” trên các tài liệu cần giám định với chữ ký và chữ viết “Nguyễn Thị Hợi” trên các tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người ký và viết ra”. Nếu theo kết luận giám định số 14 và kết luận số 16 nêu trên thì tố cáo của bà Thoa lại là có căn cứ.
“ Các kết luận giám định của Viện KHHS, Bộ Công an xác định chữ ký và chữ viết trên giấy vay nợ là do tôi viết ra là không chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của tôi. Đã nhiều lần tôi có đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng chưa được giải quyết và trả lời thỏa đáng”- Đơn bà Thoa gửi tới Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phản ứng các kết quả giám định của Viện KHHS.
Theo ý kiến nhiều luật sư, căn cứ để xử lý vụ án này là các kết quả giám định nhưng trớ trêu là các kết luận giám định của hàng loạt cơ quan nhà nước lại đang “đá nhau”. Sự việc khiến cho chính VKSND Lào Cai cũng phải thốt lên “vụ việc kéo dài do tính phức tạp về trình tự thủ tục giám định cũng như giải quyết khiếu nại trong giám định”. Theo đó, thì các kết quả giám định khác nhau nên rất “dễ thay đổi bản chất vụ việc”.
Nếu đối chiếu kết quả điều tra lần đầu từng được CQĐT Công an Lào Cai thông báo trong văn bản số số 06 ngày 8/1/2009 khi bà Hợi và con gái bà là Dung thừa nhận hành vi giả mạo của mình thì có thể thấy, “Bản xác nhận sự việc giả mạo giấy nhận nợ ngày 31/5/2008 của bà Hợi”… mà Công an Đà Nẵng đã tiến hành giám định khá khớp với lời khai lần đầu mà CQĐT Lào Cai từng công bố cho bà Thoa và vì thế, nó cần được xem xét. Nếu nó là kết quả giám định chuẩn mực phản ánh đúng bản chất sự việc thì đồng nghĩa giấy nhận nợ ngày 31/5/2008 là không có thật, việc khởi tố bắt giam người đi tố cáo mà CQĐT Lào Cai đang tiến hành lại là một sai lầm tai hại trong hoạt động tố tụng (?)
Bà Thoa là người có thể trạng gầy yếu, trước khi bị bắt đã mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh hiểm nghèo như ung thư. Bà Thoa không phải là đối tượng nguy hiểm cho trật tự xã hội vì bà là người có nhiều công sức đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, khuyến học được nhiều địa phương và các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ghi nhận, vinh danh. CQĐT Công an tỉnh Lào Cai, VKSND tỉnh Lào Cai cần xem xét biện pháp ngăn chặn mà các cơ quan này đang áp dụng đối với bà. |
Gia Khánh
Theo Phapluatvn