"Trông vào lương thì không thể mua được nhà…"

24/05/2013 15:19 PM

Dân trí) - “Nếu trông vào lương thì không thể mua nhà được. Nhà nước nghĩ là người dân chỉ trông vào lương thì không mua được nhà, nhà nước mới đưa ra gói 30 nghìn tỷ để dân vay để mua”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói.

Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói với báo chí bên lề hội nghị tổng kết thi hành luật nhà ở, kinh doanh bất động sảnNghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội. Theo Thứ trưởng Nam thì với gói 30 nghìn tỷ sắp được tung ra từ 1/6 tới đây chủ yếu tập trung cho người thu nhập thấp chứ chưa thể giúp cho nhiều đối tượng khác trong xã hội.


Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam gói 30 nghìn tỷ hướng tới người thu nhập thấp chứ không thể trợ giúp cho tất cả các đối tượng trong xã hội

Thưa Thứ trưởng, trong thông tư mà ngân hàng quy định có tài sản thế chấp, với người thu nhập thấp thì tài sản thế chấp của họ không có nhiều giá trị?

Ngoài quy định và điều kiện ra thì mình vẫn phải đáp ứng các quy định của ngân hàng. Ngân hàng người ta cho vay cũng phải đảm bảo được việc thu hồi vốn của người ta. Trong thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước nói rõ rồi, tùy theo thân nhân, tùy theo tín nhiệm, tùy theo nghề nghiệp người đi vay mà ngân hàng có thể quyết định có tài sản thế chấp hay không có tài sản thế chấp.

Trong quy định vay hỗ trợ mua nhà có thời gian tối đa 10 năm, nếu người dân muốn vay với thời gian ít hơn thì có được không?

Tối đa 10 năm để phục vụ theo nhu cầu của người vay, có thể người vay chỉ muốn vay 5 năm thôi. Tại vì vay dài có lợi là nguồn lực hạn chế thì có thể vay dài. Nhưng vay dài thì có lãi suất ngân hàng, vay 5 năm thì đỡ phải trả lãi dài.Còn thời gian bao nhiêu năm từ 1 năm hay 10 năm là thỏa thuận của hai bên. Nếu anh có thể trả được 5 năm thì tội gì anh vay trong 10 năm.

Thế nên quy định vậy để cho người nghèo, khả năng trả nợ hạn chế thì ngân hàng sẽ cho vay 10 năm. Năng lực tài chính có thể trả sớm hơn thì lợi hơn.

Lãi suất 6%/năm tuy nhiên ngân hàng được hưởng chênh lệch 1,5% lãi suất (4,5% lãi suất tái cấp vốn so với 6% lãi suất cho vay). Tại sao không đề xuất vấn đề này chia sẻ với người mua nhà?

Cái này đáng ra phải hỏi ngân hàng. Theo quan điểm của tôi 1,5 là hợp lý. Lãi suất vay thương mại huy động trần là 7% mà đang cho vay 13%, chênh lệch 6%. Thông thường ở mức ổn định thì chênh lệch 3% để vận hành bộ máy quản lý hành chính, thu hồi nợ…. Mà đây cho người dân vay, chi phí quản lý rất lớn khi người người dân vay hàng trăm triệu. Bởi vậy chi phí 1,5% là thấp so với chênh lệch thương mại. Như thế là hợp lý.

Theo quy định thì những người được vay từ gói 30 nghìn tỷ có thu nhập dưới 9 triệu đồng/người/tháng. Tại sao lại là 9 triệu, với mức thu nhập 9 triệu thì trả tiền gốc và lãi vay ngân hàng lên tới hơn 5 triệu rồi?

9 triệu là dành cho người thu nhập thấp. Bây giờ mình tập trung giúp cho những người thu nhập thấp chứ chưa đủ lực để giúp cho cả xã hội. Quy định mức 9 triệu  là những người không phải nộp thuế thu nhập. Còn gia đình 2 đến 3 người đi làm thì phải là 15 đến 18 triệu. Theo tính toán thì hàng tháng trả gốc và lãi là 6 triệu/tháng là có thể được.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

T.Chí

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,705

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]