Không giới hạn số lượng xe đăng kiểm mỗi ngày của trung tâm đăng kiểm (đề xuất) (Hình từ internet)
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới |
Theo đó, dự thảo Nghị định đã bãi bỏ Điều 26 Nghị định 139/2018/NĐ-CP về số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm.
Cụ thể, hiện nay Điều 26 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 08 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định như sau:
- Trường hợp một đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên.
- Không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II. Trường hợp dây chuyền kiểm định loại II chỉ sử dụng để kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg thì số lượng xe kiểm định được áp dụng như đối với dây chuyền loại I.
Như vậy, tại dự thảo này đã bỏ quy định về số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm. Đồng nghĩa với việc đề xuất trung tâm đăng kiểm được kiểm định số lượng xe không giới hạn mỗi ngày.
2. Đề xuất sửa đổi nguyên tắc hoạt động đăng kiểm
Dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc hoạt động đăng kiểm (hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới) như sau:
- Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới.
- Trong trường hợp hệ thống các đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới không đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp thì các cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang thực hiện nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được công nhận, huy động tham gia thực hiện kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.
- Hoạt động kiểm định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.
Hiện nay, Điều 4 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định nguyên tắc hoạt động đăng kiểm (hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới) như sau:
- Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới.
- Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính được hiểu như sau:
+ Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý;
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới không nắm giữ cổ phần hoặc góp vốn trên 10% của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
3. Đề xuất sửa đổi điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực của trung tâm đăng kiểm
Dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi điều kiện về cơ cấu tổ chức, nhân lực của trung tâm đăng kiểm như sau:
- Tổ chức của đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận sau: Ban lãnh đạo; bộ phận văn phòng; bộ phận kiểm định;
- Nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm lãnh đạo đơn vị, phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ, trong đó:
+ Có tối thiểu 01 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định;
+ Có tối thiểu 01 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định;
+ Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 02 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.
Hiện nay, tại Điều 7 Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
- Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định.
- Có lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và nhân viên nghiệp vụ đáp ứng các quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP.