Nghiên cứu sửa đổi cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Hình từ Internet)
Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/04/2023 về việc Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Cụ thể tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/04/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương như sau:
Nghiên cứu, khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
- Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát. Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/04/2023 về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay.
- Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số và chống thất thu thuế; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không thực sự cấp bách.
- Trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/04/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023
- Hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
- Khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.
- Tiếp tục rà soát, theo dõi, đánh giá Nghị định 08/2023/NĐ-CP và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để xử lý phù hợp, hiệu quả các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay theo quy định pháp luật.
Phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công được phân thành 4 nhóm theo quy định tại Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
* Đơn vị nhóm 1: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.
Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau:
+ Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề;
+ Số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.
- Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.
* Đơn vị nhóm 2: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên
Để bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
- Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).
* Đơn vị nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên
Về việc bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập phải có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:
- Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên;
- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên;
- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.
* Đơn vị nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên
Các đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên bao gồm:
- Đơn vị sự nghiệp công lập có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định 60/2021/NĐ-CP dưới 10%;
- Đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu sự nghiệp.
Xem thêm tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/04/2023.
Võ Văn Hiếu