Khoán xe công liệu có thể tiết kiệm ngân sách Nhà nước?

05/06/2013 17:27 PM

(VOV) -Các cơ quan Nhà nước đang thực hiện cơ chế khoán cho kinh phí chung, chứ chưa thực hiện cơ chế khoán đối với xe công.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đây là một dự án luật thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và người dân đối với việc tiết kiệm các khoản chi cho ngân sách Nhà nước.

Bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí về biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước khi sử dụng tài sản công.


Ông Phùng Quốc Hiển

PV: Ông đánh giá như thế nào việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng tài sản công tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước?

Ông Phùng Quốc Hiển: Có thể nói, hiện nay, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt sử dụng tài sản công nên đã dành nguồn tiền đó để cải thiện, nâng cao đời sống của công nhân viên. Mỗi cán bộ muốn sử dụng tài sản công phải xét trên chức danh, yêu cầu công việc cụ thể. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hành, tiết kiệm trong các cơ quan Nhà nước chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Góp ý vào Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại Quốc hội, có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đưa ra là cần có cơ chế khoán về sử dụng tài sản công, phương tiện đi lại trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, chưa có ai đưa ra biện pháp thực hiện cơ chế khoán sẽ như thế nào, cụ thể ra sao. Bởi vì, khi thực hiện cơ chế khoán sử dụng tài sản công trong cơ quan Nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.

PV: Theo ông, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với tài sản công như sử dụng xe ô tô nên được thực hiện theo cơ chế khoán như thế nào?

Ông Phùng Quốc Hiển: Theo tôi, vấn đề này cần phải thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành. Sau khi thực hiện thí điểm, chúng ta mới có thể rút kinh nghiệm, xem mặt nào được và chưa được thì mới nhân rộng cơ chế khoán sử dụng tài sản công trong cả nước. Khi đó, các cơ quan mới thực hiện được giảm số lượng xe công.

PV: Thưa ông, đối với tài sản công như sử dụng xe ô tô thì có một số ý kiến đưa ra là nên thuê một số công ty, dịch vụ cung cấp xe công cho cơ quan Nhà nước. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phùng Quốc Hiển: Hiện nay, các cơ quan Nhà nước chỉ thực hiện cơ chế khoán cho kinh phí chung thôi chứ chưa thực hiện cơ chế khoán đối với xe công, trang thiết bị.

Việc thuê công ty cung cấp dịch vụ xe công cho cơ quan Nhà nước là đề án đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra và nếu thực hiện được việc thuê một số công ty cung cấp xe công cho cơ quan Nhà nước là một việc làm rất tốt vì sẽ tiết kiệm ngân sách Nhà nước rất nhiều.

Khi thuê của công ty còn giúp cơ quan Nhà nước giải quyết được những vướng mắc trong quyết định mua xe ô tô thì phải tính xem mua theo tiêu chuẩn như thế nào, tính toán xăng dầu ra làm sao, phụ phí cho lái xe…

Hiện nay, một số nước như Lào đã áp dụng cơ chế khoán. Ví dụ như một Bộ trưởng sẽ có 2 xe và được 180 lít xăng/tháng. Nếu vị Bộ trưởng này mà đi vượt quá 180 lít xăng thì phải tự bỏ tiền ra. Ngoài ra, chiếc xe có thể được thanh lý nếu quá cũ.

Hiện nay, đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề khoán sử dụng tài sản công. Thế nhưng, theo tôi, muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí sử dụng tài sản công nói chung thì trong các cơ quan, doanh nghiệp thì chúng ta phải áp dụng tiêu chuẩn định mức. Do đó, chúng ta phải xây dựng tiêu chuẩn định mức chuẩn, phù hợp với cuộc sống hiện tại, sự biến động về kinh tế... Tiêu chuẩn định mức sẽ chiếu theo áp dụng cho cơ quan khác với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả thì các cơ quan, doanh nghiệp phải tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, công nhân viên chức ý thức chấp hành tiết kiệm.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bích Lan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,284

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]