05 trường hợp chủ thể dữ liệu được yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
19/04/2023 09:05 AM

Xin cho tôi hỏi các trường hợp nào thì chủ thể dữ liệu được yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình theo quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP? - Tùng Linh (Cần Thơ)

 05 trường hợp chủ thể dữ liệu được yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân

 05 trường hợp chủ thể dữ liệu được yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân.

1. Ai là chủ thể dữ liệu?

Chủ thể dữ liệu là cá nhân được dữ liệu cá nhân phản ánh.

Cụ thể, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Trong đó, dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

(Khoản 1 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)

2. 05 trường hợp chủ thể dữ liệu được yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân

Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xóa dữ liệu cá nhân của mình trong các trường hợp sau:

(1) Nhận thấy không còn cần thiết cho mục đích thu thập đã đồng ý và chấp nhận các thiệt hại có thể xảy ra khi yêu cầu xóa dữ liệu;

(2) Rút lại sự đồng ý;

(3) Phản đối việc xử lý dữ liệu và Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân không có lý do chính đáng để tiếp tục xử lý;

(4) Dữ liệu cá nhân được xử lý không đúng với mục đích đã đồng ý hoặc việc xử lý dữ liệu cá nhân là vi phạm quy định của pháp luật;

(5) Dữ liệu cá nhân phải xóa theo quy định của pháp luật.

3. Thời gian xóa dữ liệu cá nhân trong bao lâu khi có yêu cầu?

Khi chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xóa dữ liệu cá nhân của mình thuộc các trường hợp tại mục 2 thì việc xóa dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thu thập được, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(Khoản 5 Điều 16 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)

4. Các trường hợp không được xóa dữ liệu cá nhân

Việc xóa dữ liệu sẽ không áp dụng khi có đề nghị của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Pháp luật quy định không cho phép xóa dữ liệu;

- Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Dữ liệu cá nhân đã được công khai theo quy định của pháp luật;

- Dữ liệu cá nhân được xử lý nhằm phục vụ yêu cầu pháp lý, nghiên cứu khoa học, thống kê theo quy định của pháp luật;

- Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;

- Ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác.

5. Các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm:

(i) Dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật.

(ii) Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

(iii) Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

(iv) Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý. Dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.

(v) Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý.

(vi) Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật.

(vii) Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(vii) Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xử lý dữ liệu được quy định từ (i) tới (vii) là chứng minh sự tuân thủ của mình với các nguyên tắc xử lý dữ liệu đó.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,882

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]