Đó là khẳng định của Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) trong buổi họp báo tại Bộ Tư pháp về Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 vào chiều ngày 13/6.
Có thẻ công dân vẫn dùng chứng minh thư
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, từ năm 2016 sẽ nhập thông tin cơ bản của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Trong đó, cơ quan Công an nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 1/1/2016; cơ quan Tư pháp phối hợp với cơ quan Công an nhập thông tin và cấp số định danh cá nhân cho công dân khi đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016.
"Chứng minh thư vẫn còn cần thiết", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nói.
Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của mọi công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Các cơ quan hành chính nhà nước tại bốn cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Theo ông Sơn việc nghiên cứu phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác nhằm mục đích giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan.
Trước băn khoăn của phóng viên khi đã có thẻ công dân điện tử, liệu chứng minh thư nhân dân còn có tác dụng và có thể loại bỏ nó khỏi hệ thống thủ tục hành chính như những giấy tờ kể trên?, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định, chứng minh thư nhân rất cần thiết trong các giao dịch. “Nếu chưa có phương tiện hiệu quả hơn, an toàn hơn thì rõ ràng chứng minh thư nhân dân vẫn rất cần thiết trong các giao dịch. Vì vậy, trong thời gian tới vẫn duy trì chứng minh thư nhưng chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đổi sang mẫu mới”, ông Sơn nói.
Hiện nay, vẫn đang tồn tại hai loại chứng minh thư nhân dân 9 số (mẫu cũ) và 12 số (mẫu mới). Trong thời gian tới toàn dân sẽ chuyển sang mẫu chứng minh thư mới. Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, số chứng minh thư 12 số sẽ được sử dụng luôn làm mã số định danh.
Không có chuyện chọn số, xin số
Trước lo ngại khi cấp mã số định danh sẽ sinh ra việc mua bán, xin cho số đẹp, số xấu gây phức tạp trong xã hội, Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định khi xây dựng đề án ông và các đồng nghiệp đã lường trước vấn đề này. “Tôi khẳng định không có chuyện xin cho hay mua bán số đẹp, số xấu”, Thiếu tướng Vệ quả quyết.
"Không có chuyện xin cho số đẹp, loại số xấu", Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định
Do lường trước thói quen của nhiều người thích số đẹp, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, khi xây dựng phần mềm cấp mã số định danh đã tính tới việc loại bỏ những yếu tố có thể chọn được số.
“Tất cả các số định danh cá nhân đều do một đầu mối ở Trung ương khống chế (sau này có thêm ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh). Khi dưới địa phương chuyển thông tin lên chúng tôi mới lần lượt bấm mã số định danh”, Tướng Vệ cho biết.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan cũng khẳng định quy trình cấp mã số định danh được kiểm soát rất chặt chẽ, do vậy, không có chuyện chọn số và xin số.
Những lo ngại về đời tư của công dân có thể bị xâm phạm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cơ bản về công dân cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu khai thác, sử dụng, đồng thời phải bảo đảm về bí mật đời tư theo quy định của pháp luật. Do vậy, đề án cũng chỉ rõ cần xác định quyền truy cập của các Bộ, ngành, địa phương trong việc khai thác, sử dụng thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quang Phong