Các trường hợp được thay đổi nguyên giá tài sản cố định của cơ quan nhà nước (Hình từ Internet)
Ngày 25/4/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 23/2023/TT-BTC thì nguyên giá tài sản cố định được thay đổi trong các trường hợp sau:
(1) Đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
(3) Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản cố định tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản cố định).
(4) Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định.
(5) Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác (trừ trường hợp tài sản đã được khôi phục lại thông qua bảo hiểm tài sản công).
(6) Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2023/TT-BTC theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 103 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 23/2023/TT-BTC, khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản cố định trong các trường hợp quy định tại (1), (2), (3), (4) và (5) mục này, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện lập Biên bản thay đổi nguyên giá tài sản cố định ghi rõ: Lý do (trường hợp) thay đổi nguyên giá, nguyên giá trước và sau khi thay đổi.
Khi phát sinh việc thay đổi nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp quy định tại (6) mục này, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện lập văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải xác định lại chỉ tiêu nguyên giá của tài sản cố định làm cơ sở xác định mức hao mòn, khấu hao, giá trị còn lại của tài sản cố định để điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện kế toán tài sản theo quy định.
Hiện hành, tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 45/2018/TT-BTC thì các trường hợp nguyên giá tài sản cố định được thay đổi gồm: - Đánh giá lại giá trị tài sản cố định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; - Thực hiện nâng cấp, mở rộng, sửa chữa tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; - Tháo dỡ hoặc lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định; - Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 45/2018/TT-BTC theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Nghị định 151/2017/NĐ-CP. |
Xác định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định theo Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BTC như sau:
- Đối với trường hợp đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại (1) mục 1 thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại theo hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền về kiểm kê, đánh giá lại tài sản.
- Đối với trường hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quy định tại (2) mục 1 thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán cộng (+) phần giá trị tăng thêm do nâng cấp, mở rộng tài sản cố định.
Trong đó, phần giá trị tăng thêm do nâng cấp, mở rộng tài sản cố định là giá trị quyết toán được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
- Đối với trường hợp tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định quy định tại (3) mục 1 thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán trừ (-) phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ cộng (+) chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc tháo dỡ mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã chi ra tính đến thời điểm hoàn thành việc tháo dỡ.
Trong đó, phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định như sau:
+ Trường hợp có hồ sơ xác định giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ thì phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định theo giá mua, giá trị quyết toán/giá trị dự toán của bộ phận tài sản cố định đó.
+ Trường hợp không có hồ sơ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BTC nhưng phân bổ được nguyên giá của tài sản cố định cho bộ phận tài sản cố định tháo dỡ theo tiêu chí phù hợp (như: Diện tích, số lượng, giá mua, dự toán...) thì phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ được xác định theo giá trị phân bổ.
+ Trường hợp không có hồ sơ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BTC và không phân bổ được nguyên giá của tài sản cố định cho bộ phận tài sản cố định tháo dỡ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BTC thì:
Xác định phần giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ là giá mua mới của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ trên thị trường tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng.
Trường hợp không xác định được giá mua mới của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ trên thị trường tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá trị của bộ phận tài sản cố định tháo dỡ làm căn cứ xác định nguyên giá tài sản cố định sau khi tháo dỡ.
- Đối với trường hợp lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định quy định tại (4) mục 1 thì nguyên giá tài sản cố định được xác định lại bằng (=) nguyên giá đang hạch toán cộng (+) phần giá trị tăng do lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định cộng (+) chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc lắp đặt mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã chi ra tính đến thời điểm hoàn thành việc lắp đặt.
Trong đó, phần giá trị tăng do lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định là giá trị tương ứng của bộ phận tài sản cố định được lắp đặt thêm xác định theo các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 23/2023/TT-BTC.
- Đối với trường hợp tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác quy định tại (5) mục 1 thì:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để đánh giá lại giá trị tài sản, thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản để ghi vào Biên bản thay đổi nguyên giá tài sản cố định.
Nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp này được xác định lại là giá trị của tài sản cố định theo đánh giá lại.
- Đối với trường hợp điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất quy định tại (6) mục 1 thì nguyên giá tài sản được xác định lại là giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo quy định tại:
Các khoản 1, 2 và 3 Điều 102 Nghị định 151/2017/NĐ-CP trên cơ sở các chỉ tiêu (giá đất, diện tích đất, mục đích sử dụng đất) sau khi thay đổi (nếu có) cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được khấu trừ, hoàn lại) và các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/6/2023, áp dụng từ năm tài chính 2023 và thay thế Thông tư 45/2018/TT-BTC.