Đề xuất sửa Thông tư 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp
Cụ thể, đối với hệ thống tài khoản kế toán, dự thảo Thông tư sửa đổi như sau:
Doanh nghiệp căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 200 để mở thêm các tài khoản kế toán cho phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh yêu cầu quản lý của từng ngành và của từng đơn vị.
Đối với bổ sung các tài khoản chi tiết thì phải phù hợp với nội dung, kết cầu và phương pháp hạch toán của các tài khoản tổng hợp tương ứng.
Đối với các doanh nghiệp mở thêm tài khoản cấp 1 phải thuyết minh thêm thông tin trên bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Việc mở thêm tài khoản không được làm thay đổi thông tin trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
(Đồng thời, bỏ nội dung tại điểm b, c khoản 1 Điều 9 Thông tư 200/2014/TT-BTC sau đây:
Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
Doanh nghiệp có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có qui định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp quy định tại phụ lục 1 - Thông tư 200/2014/TT-BTC nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận).
Đối với các doanh nghiệp triển khai hệ thống công nghệ thông tin cho quản trị doanh nghiệp trong đó có phân hệ kế toán thì doanh nghiệp không bắt buộc sử dụng tài khoản 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
Các tài khoản loại 5, 6, 7, 8 và các sổ kế toán tương ứng không bắt buộc phải đảm bảo quy định về số dư cuối kỳ nhưng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, chi tiết các thông tin về từng chứng từ kế toán theo quy định để phục vụ cho công tác quản lý của doanh nghiệp cũng như công tác kiểm tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải đảm bảo không có sự khác biệt so với việc áp dụng các nguyên tắc hạch toán theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Trường hợp doanh nghiệp đầu tư trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn có phát sinh khoản chênh lệch giữa giá gốc và khoản đầu tư trái phiếu và mệnh giá trái phiếu thì khoản chênh lệch đó được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính phù hợp với kỳ hạn của trái phiếu theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế.
Đơn cử sửa đổi khoản 1.1 Điều 44 như sau:
1.1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là thỏa thuận bằng hợp đồng của hai hoặc nhiều bên để cùng thực hiện hoạt động kinh tế nhưng không hình thành pháp nhân độc lập. Hoạt động này có thể được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn theo thỏa thuận liên doanh.
Hiện hành, Thông tư 200 quy định: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là thỏa thuận bằng hợp đồng của hai hoặc nhiều bên để cùng thực hiện hoạt động kinh tế nhưng không hình thành pháp nhân độc lập. Hoạt động này có thể được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn theo thỏa thuận liên doanh hoặc kiểm soát bởi một trong số các bên tham gia.
Xem thêm tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Dự thảo Thông tư |