Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
09/06/2023 11:03 AM

Tôi muốn biết mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) năm 2023 tại Thông tư 36/2023/TT-BTC là bao nhiêu? - Ngọc Anh (Long An)

Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) năm 2023

Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) năm 2023 (Hình từ Internet)

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2023/TT-BTC ngày 06/6/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)

1. Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) năm 2023

Cụ thể từ ngày 21/7/2023, mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:

- Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ C/O.

- Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.

(Điều 4 Thông tư 36/2023/TT-BTC)

2. Ai là người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)?

Theo Điều 2 Thông tư 36/2023/TT-BTC, người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là người xuất khẩu, nhà sản xuất, người đại diện hợp pháp của người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

3. Quy định về việc kê khai, nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)

Cụ thể tại Điều 5 Thông tư 36/2023/TT-BTC quy định về việc kê khai, nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) như sau:

- Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại mục 1 cho tổ chức thu phí khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; phí nộp theo hình thức quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

- Chậm nhất ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí quy định tại Điều 3 Thông tư 36/2023/TT-BTC này nộp toàn bộ số phí thu được của tháng trước, tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí mở tại tổ chức tín dụng (nếu có) vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của Bộ Công Thương mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư 36/2023/TT-BTC, gồm: Bộ Công Thương và tổ chức khác được Bộ Công Thương uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

- Bộ Công Thương kê khai, nộp, quyết toán phí và nộp tiền lãi phát sinh (trong tài khoản phí chờ nộp ngân sách của Bộ Công Thương mở tại Kho bạc Nhà nước) theo quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC; quản lý và sử dụng phí theo quy định tại Điều 6 Thông tư 36/2023/TT-BTC.

4. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (có thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với cả nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP;

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

- Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;

- Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;

- Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

- Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn.

Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;

- Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;

- Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;

- Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP; hoặc yêu cầu thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp bổ sung các chứng từ dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) như:

Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất);

Hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.

(Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP)

Thông tư 36/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/7/203.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,070

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]