Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tinh giản biên chế

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/06/2023 08:12 AM

Cho tôi hỏi trong chính sách tinh giản biên chế thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được quy định thế nào? - Thiên Long (Tiền Giang)

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tinh giản biên chế

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tinh giản biên chế (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 quy định về tinh giản biên chế.

1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tinh giản biên chế

Theo Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế

- Triển khai tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

- Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên.

- Lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho từng đối tượng tinh giản biên chế; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng hưởng chính sách tinh giản biên chế quy định điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 29/2023/NĐ-CP:

Được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng;

- Khi giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế phải chịu trách nhiệm:

+ Thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan có liên quan dừng thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho đối tượng tinh giản biên chế không đúng quy định;

Chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội số kinh phí đã chi trả cho người thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế);

+ Chịu trách nhiệm thu hồi tiền hưởng chính sách tinh giản biên chế đã cấp cho đối tượng đó;

+ Chi trả cho người đã thực hiện tinh giản biên chế số tiền chênh lệch giữa tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật với chế độ bảo hiểm xã hội đã được hưởng;

+ Xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan; đồng thời chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế.

2. Trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tinh giản biên chế

Trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tinh giản biên chế theo Điều 14 Nghị định 29/2023/NĐ-CP như sau:

- Đối với UBND cấp tỉnh:

+ Chỉ đạo triển khai tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm; lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định;

+ Chỉ đạo Sở Nội vụ thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

+ Chỉ đạo Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện việc chi trả chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế theo quy định;

+ Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao gồm số đối tượng tinh giản biên chế, số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP), dự kiến kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm sau liền kề;

Chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế để tổng hợp chung vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước của năm sau liền kề của địa phương;

+ Định kỳ trước ngày 15/02 hàng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của năm trước liền kề thuộc phạm vi quản lý và gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

+ Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ thêm đối với đối tượng tinh giản biên chế.

- Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh:

+ Phê duyệt danh sách đối tượng tinh giản biên chế và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, chịu trách nhiệm về quyết định phê duyệt này;

+ Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế không đúng quy định thì thực hiện việc thu hồi nộp ngân sách kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, thu hồi các quyết định giải quyết tinh giản biên chế và bố trí cho những người không thuộc đối tượng tinh giản biên chế trở lại làm việc; 

Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế.

Xem thêm Nghị định 29/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/7/2023. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,558

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]