Quy định mới về lương, thưởng, phụ cấp cho NLĐ trong công ty TNHH MTV nhà nước từ 01/01/2024 (đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
23/06/2023 09:40 AM

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51 /2016/NĐ-CPNghị định 52/2016/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi các quy định liên quan đến lương, thưởng, phụ cấp cho NLĐ, người quản lý, Kiểm soát viên trong công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cụ thể như sau:

Sửa đổi quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương cho NLĐ trong công ty TNHH MTV nhà nước

Sửa đổi quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương tại Điều 4 Nghị định 51/2016/NĐ-CP như sau:

- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty quyết định việc xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương để thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

- Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương thực tế được hưởng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh năm trước và năm kế hoạch của công ty.

- Khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kể cả trường hợp sửa đổi, bổ sung), công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, lấy ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và công bố công khai tại công ty trước khi thực hiện.

(Hiện hành chỉ quy định công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP làm căn cứ để xếp lương, trả lương và thực hiện chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động)

Quy định mới về lương, thưởng, phụ cấp cho NLĐ trong công ty TNHH MTV nhà nước từ 01/01/2024 (đề xuất)

Đề xuất mới về lương, thưởng, phụ cấp cho NLĐ trong công ty TNHH MTV nhà nước từ 01/01/2024 (Hình từ internet)

Sửa đổi quy định về xếp lương với người quản lý, Kiểm soát viên công ty TNHH MTV nhà nước

Sửa quy định về xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên tại Điều 3 Nghị định 52/2016/NĐ-CP như sau:

- Công ty quyết định việc xây dựng và ban hành bảng lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên, bảo đảm các mức lương trong bảng lương không vượt quá mức tiền lương người quản lý, Kiểm soát viên được hưởng của năm trước liền kề.

- Khi xây dựng bảng lương (kể cả trường hợp sửa đổi, bổ sung), công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, lấy ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và công bố công khai tại công ty trước khi thực hiện.

- Căn cứ bảng lương do công ty ban hành, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định xếp lương làm cơ sở để thực hiện các chế độ đối với người quản lý, Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

(Hiện hành chỉ quy định người quản lý công ty chuyên trách tiếp tục xếp lương theo hạng công ty quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 52/2016/NĐ-CP làm căn cứ để thực hiện các chế độ theo quy định của pháp luật cho đến khi Chính phủ có quy định mới)

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định đối với trường hợp Ban kiểm soát của công ty chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên được hưởng tiền lương, thù lao, tiền thưởng của chức danh Trưởng Ban kiểm soát.

Thời điểm có hiệu lực thi hành

Dự kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51 /2016/NĐ-CPNghị định 52/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024, đồng thời:

- Bãi bỏ Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 52/2016/NĐ-CP.

- Các quỹ tài chính ngoài ngân sách đang áp dụng cơ chế tiền lương theo Khoản 6 Điều 10 Nghị định 52/2016/NĐ-CP thì tiếp tục áp dụng hệ số tăng thêm tiền lương tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ bản để xác định tiền lương của người quản lý, Kiểm soát viên của quỹ.

- Căn cứ nguyên tắc quy định tại Nghị định 51 /2016/NĐ-CP, Nghị định 52/2016/NĐ-CP và Nghị định này, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao đối với Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động, phù hợp với tính chất đặc thù của các đơn vị, trong đó:

+ Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, giao Bộ LĐ-TB&XH hằng năm tiếp nhận, rà soát, kiểm tra, giám sát báo cáo về kế hoạch lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện năm trước liền kề của người lao động; tiếp nhận, xem xét, phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện của năm trước liền kề và quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên, sau khi trao đổi với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

+ Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam khi áp dụng cơ chế tiền lương nêu trên thì không áp dụng cơ chế tiền lương đặc thù trong giai đoạn cơ cấu lại theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 46/2021/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,321

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]