Lao động nữ mang thai có được giảm giờ làm?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/06/2023 09:05 AM

Xin hỏi lao động nữ mang thai có được giảm giờ làm? Lao động nữ mang thai được hưởng chế độ gì khi khám thai? - Thụy Vy (Quảng Nam)

Lao động nữ mang thai có được giảm giờ làm?

Lao động nữ mang thai bao nhiêu tuần thì được giảm 1 giờ làm việc? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lao động nữ mang thai có được giảm giờ làm?

Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật lao động 2019, lao động nữ đang mang thai được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

- Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai;

- Có thông báo cho người sử dụng lao động biết.

2. Lao động nữ mang thai được hưởng chế độ khi khám thai

Lao động nữ mang thai được hưởng chế độ khi khám thai được quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày;

Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3. Lao động nữ được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thế nào?

Lao động nữ được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 (hướng dẫn bởi Nghị định 145/2020/NĐ-CP) như sau:

- Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

- Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

- Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động 2019, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

4. Không cho lao động nữ mang thai giảm giờ làm bị phạt bao nhiêu?

Tại điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính hành vi không thực hiện việc giảm giờ làm theo quy định đối với lao động nữ mang thai như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật lao động 2019, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,810

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]