Điều hành giá xăng dầu: Nửa vời thị trường

18/07/2013 09:07 AM

Các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lại rục rịch đòi tăng giá. Chuyện tăng hay giảm giá bán xăng dầu trong nước do ảnh hưởng của giá dầu thế giới đã từ lâu không còn là vấn đề mà dư luận quan tâm. Tuy nhiên, điều mà người dân và DN luôn băn khoăn là cơ chế điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, trong mỗi kì biến động giá.

Theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố, tính từ đầu năm đến ngày 30/6/2013, các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích được hơn 2.231,4 tỉ đồng vào quỹ BOG, trong khi mức sử dụng đã lên tới gần 2.932,4 tỉ đồng. Cộng với số tồn quỹ đầu năm (khoảng 756,383 triệu đồng), tại thời điểm 30/6, Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 55,4 tỉ đồng, giảm hơn 700 tỉ đồng so với cuối năm 2012.

Từ hơn 3 năm trở lại đây, việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo các quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Nghị định 84 quy định, xăng dầu được điều hành kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới đảm bảo chia sẻ hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Nhiều bất cập từ cơ chế

Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá qua các lần điều chỉnh tăng, giảm giá, việc điều hành giá không đúng với diễn biến của giá thị trường thế giới. Nhiều trường hợp, giá trong nước tăng không kịp với giá thế giới khiến các DN găm hàng, chờ thời điểm có lãi mới bán. Không ít DN đã tìm mọi cách trì hoãn để không bán hàng, như mất điện, bảo trì hệ thống, hỏng máy... Suy cho cùng, đây là chuyện đương nhiên trong hoạt động kinh doanh.

Có thể khẳng định, DN kinh doanh xăng dầu găm hàng hay gom hàng là lỗi cơ chế quản lý giá. Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý giá Bộ Tài chính, cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Trong cơ chế thị trường, đã Nhà nước định giá thì Nhà nước quyết định hoàn toàn. Còn nếu đã trao quyền tự chủ cho DN thì phải để DN toàn quyền tự quyết tăng hoặc giảm giá. Nhà nước chỉ can thiệp bằng các công cụ điều hành vĩ mô. Sự nửa vời này ở chỗ, chúng ta chưa trao toàn bộ quyền tự chủ cho DN. Trên thế giới, không nước nào cho DN tự định giá nhưng lại phải thông qua Nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng ta đã công bố là điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Thị trường lên xuống từng ngày, từng giờ. Vậy mà, theo quy định, chúng ta phải đợi đến 30 ngày nhập khẩu mới được tăng, giảm. Đó là điều bất hợp lý. Với khoảng thời gian dài như vậy, DN hoàn toàn có thừa thời gian găm hàng để đạt mục tiêu lợi nhuận cao.

Trong cơ chế thị trường, chỉ có một trong hai chủ thể có quyền định giá, là Nhà nước hoặc thị trường. Nếu thị trường độc quyền thì giá do Nhà nước quy định, còn thị trường cạnh tranh thì giá do thị trường quyết định. Tuy nhiên, tại VN, TCty xăng dầu Petrolimex vẫn giữ vị trí thống lĩnh thị trường xăng dầu nội địa với trên 55% thị phần.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, để xăng dầu theo đúng giá thị trường phải được hình thành nên từ thị trường. Việc trao quyền tự quyết nửa vời cho DN là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu VN gần như không có sự cạnh tranh. Với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho DN tự quyết định giá dù trong biên độ nhỏ, là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Nhưng để xăng dầu được điều hành theo kiểu lưỡng tính như hiện nay cũng không phải là phương án lâu dài.

Xăng dầu là loại hàng có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Chỉ cần một đợt tăng hay giảm nhỏ cũng tác động ngay tới các chỉ số về giá cả cũng như lợi nhuận của DN. Đơn cử, nếu chỉ chậm giảm giá xăng dầu vài ngày là DN đã có thể đút túi hàng nghìn tỉ đồng nên chẳng dại gì giảm giá. Do đó, người tiêu dùng khó có thể hi vọng các DN vì thương mình mà giảm giá. Chỉ có cách tạo ra một thị trường thực sự để DN phải cạnh tranh nhau tồn tại, người dân mới được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.

Sửa ra sao?

Hiện nay, 70% lượng xăng dầu được nhập khẩu, 30% còn lại được cung ứng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mỗi lít xăng dầu được nhập khẩu về bán ra thị trường nội địa người dân phải “gánh” hơn 8.000 đồng do rất nhiều khoản thuế, phí; từ thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, môi trường và chi phí kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, tổng lượng tiêu thụ xăng trên thị trường VN hiện nay vào khoảng 1 tỉ lít/tháng.

Từ việc lập quỹ bình ổn, mỗi lít xăng phải tăng thêm 300 đồng, mức chiết khấu đối với đại lí cũng là một trong những nguyên nhân đội giá thành. Do lãi nhiều, nên mức chiết khấu mà các DN đầu mối xăng dầu trích cho các đại lý lên tới 700-800 đồng/lít xăng bán lẻ. Chính vì thế, bán được càng nhiều, DN nhập khẩu càng có lãi. Đây chính là lý do khiến các DN đang có cuộc chạy đua ngầm về mức chi hoa hồng chia cho các đại lý từ 200 đồng tăng lên gấp 4 lần như hiện nay.

Theo quy định hiện hành, việc tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo biến động của giá thế giới. Cụ thể, giá cơ sở tăng 7%, 12%, DN được tự quyết định giá bán, tăng trên 12% Nhà nước can thiệp. Bộ Công Thương cho rằng cần thu hẹp biên độ tăng giảm giá tương ứng xuống mức biến động 3%, 5% và 7% để không tăng giá sốc.

Việc quy định giá cơ sở như đề xuất của Bộ Tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu dư luận là minh bạch về giá xăng dầu.

Ông Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh thị trường xăng dầu còn độc quyền là chủ yếu, DN sẽ lợi dụng biên độ tăng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Mục tiêu của DN là lợi nhuận, mà kiếm lợi nhuận thông qua giá là dễ nhất. Còn cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay thì chắc chắn việc tháo gỡ khó khăn trong điều hành xăng dầu khó thực hiện được.

Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án khác là quy định con số cụ thể, khi giá cơ sở và giá hiện hành trong nước chênh 500 đồng/lít, DN được tự quyết định giá bán lẻ, nếu mức chênh từ 500 - 1.000 đồng/lít thì DN được quyết định giá bán kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn. Liên bộ Tài chính - Công Thương chỉ can thiệp khi mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở cao hơn 1.000 đồng/lít.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc thu hẹp biên độ tăng, giảm giá xăng là một tiến bộ vì có tác dụng thu hẹp quyền của DN trong bối cảnh thị trường xăng dầu chưa hoàn toàn cạnh tranh và DN cũng hết cơ hội xé nhỏ các đợt tăng giá như trước đây. Tuy nhiên, việc quy định giá cơ sở như đề xuất của Bộ Tài chính vẫn còn rối, chưa đáp ứng được yêu cầu dư luận là minh bạch về giá xăng dầu.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Rất nhiều đề xuất được đưa ra từ cả phía cơ quan quản lí nhà nước, DN và chuyên gia. Liệu khi nào xăng dầu thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường? Hay những giải pháp được cho là tình thế vẫn tiếp tục ngự trị? Câu hỏi này chắc khó có thể giải quyết ở một nghị định.

Bá Tú

Diễn đàn DN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,622

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]