Lận đận mối liên kết nông dân và doanh nghiệp

25/07/2013 14:06 PM

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg) ra đời và thực thi hơn 10 năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong đợi.

Mục tiêu đề ra đến năm 2010 phải có hơn 50% khối lượng nông sản hàng hóa của nông dân được tiêu thụ thông qua hợp đồng với DN, thế nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng vẫn chưa tới 10%.

Nông dân thờ ơ với hợp đồng bao tiêu nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau 10 năm thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, khối lượng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa nông dân và DN vẫn thấp. Năm 2012, mới chỉ có 2,1% sản lượng lúa hàng hóa, 13% sản lượng thủy sản, 0,9% sản lượng rau quả, 2,5% sản lượng càphê, 9% sản lượng chè… được bán cho DN thông qua các hợp đồng ký kết. Chỉ vài lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như: bông đạt hơn 90%, sữa bò 80%. Những con số trên chứng tỏ, hiệu quả của mối liên kết 4 nhà, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt còn nhiều hạn chế.

Hầu hết nông dân đều phó mặc việc tiêu thụ nông sản cho thương lái và nhiều DN xuất khẩu nông sản hàng đầu cũng phải lệ thuộc vào nguồn hàng do thương lái cung cấp. Có tới 83% tổng lượng gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp cho Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam là do thương lái đưa đến. Số liệu báo cáo của Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng cho thấy, sản lượng gạo thương lái cung ứng cho đơn vị chiếm tới 36%.

Về bản chất, hợp đồng tiêu thụ nông sản luôn có lợi cho cả nông dân và DN. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, nông dân sẽ được hỗ trợ đầu vào và các dịch vụ sản xuất, tiếp cận tín dụng, tiến bộ kỹ thuật; ổn định thị trường đầu ra, giá cả được bảo đảm. Đối với DN, hợp đồng giúp họ chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao và ổn định. Thậm chí, họ còn có điều kiện giám sát chất lượng ngay từ đầu vào, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, giảm giá thành sản xuất thông qua đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hợp đồng đã được ký kết nhưng không có sự tuân thủ nghiêm túc điều khoản hợp đồng, tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến. Nhiều DN đã ký kết hợp đồng với giá thu mua được thỏa thuận ngay từ trước khi vào vụ sản xuất nhưng đến khi nông dân thu hoạch, giá thị trường xuống thấp hơn giá ký kết hoặc khi sản phẩm khó tiêu thụ, nhiều DN đã đơn phương ngừng thực hiện việc thu mua nông sản.

 

Điển hình như vụ việc Công ty TNHH Sam Wom Industrial 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc liên kết với nông dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) triển khai dự án trồng hành hoa xuất khẩu. Theo đó, Sam Wom Industrial ký hợp đồng với từng hộ gia đình, công ty bán giống hành cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thế nhưng đến vụ thu hoạch, công ty này đột ngột thông báo là gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên phải ngừng thu mua hành của nông dân, khiến bà con phải nhổ hành bán đổ bán tháo, thậm chí để làm phân xanh.

Theo dự thảo đề án mới về thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và liên kết giữa nông dân và DN, Nhà nước sẽ tạo cơ chế đặc biệt để DN bắt tay với nông dân, như hỗ trợ 30% khi DN đầu tư nâng cấp, tu sửa hạ tầng và vùng nguyên liệu, giảm 20% thuế thu nhập cho DN khi liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu thuộc loại đặc biệt ưu tiên.

 

Sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng không chỉ thường xuyên xảy ra ở phía DN mà ngay cả nông dân cũng không ít lần cho DN nếm trái đắng khi "bội tín". Nhiều nông dân mặc dù đã nhận vật tư, giống của DN nhưng khi mùa vụ tới, hàng khan hiếm, nhiều thương lái đi thu mua với giá cao hơn giá của DN nên nhiều người đã ham lợi trước mắt, nhanh chóng thu hoạch và bán hết sản phẩm cho thương lái. Kết cục DN vì thiếu nguyên liệu nên phải chạy ngược chạy xuôi thu mua, vỡ kế hoạch sản xuất.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cần phải có chế tài thật nghiêm để xử phạt bên cố ý vi phạm. Làm sao để trước khi ngồi vào bàn ký kết, cả DN và nông dân phải hoàn toàn yên tâm rằng các điều khoản trong hợp đồng sẽ được đối tác thực hiện nghiêm túc.

Cần phải thay đổi nhận thức về hợp đồng tiêu thụ

ThS. Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Một hợp đồng thành công là hợp đồng mà việc phân bổ ba yếu tố giá trị, rủi ro, quyền quyết định được thực hiện theo cách mà các bên tham gia cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Nếu không có sự chi phối của 3 yếu tố đó thì không cần hợp đồng, bởi khi đó DN có thể mua bán trao tay (giao ngay) hoặc tự thành lập ra đồn điền để cung cấp cho mình. Theo ông Khải, Nhà nước cần rà soát, đưa ra những quy định rõ ràng về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hợp đồng một cách hài hoà bên cạnh các quy định xử lý vi phạm. Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) cho rằng, cần phải làm thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp không theo quy hoạch, kế hoạch sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với các DN dưới sự quản lý của Nhà nước. Với vai trò chủ đạo của mình, DN cần tham gia tích cực vào việc xây dựng thành công chuỗi giá trị ngành hàng nhằm tăng giá trị gia tăng cho cả nông dân và DN. DN đề xướng và thiết kế đầu vào, đầu ra, thiết kế sản phẩm, xây dựng giá thành sản xuất và thị trường, xác định giá bán cho một sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, phải có 80-95% sản phẩm mía đường, tôm, cá tra và 15-30% sản lượng chè, lúa hàng hóa, càphê, trái cây xuất khẩu, rau an toàn được tiêu thụ thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Bộ đang xây dựng dự thảo đề án mới về thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và liên kết giữa nông dân và DN. Điểm mới trong dự thảo lần này là, Nhà nước sẽ tạo cơ chế đặc biệt để DN bắt tay với nông dân, như hỗ trợ 30% khi DN đầu tư nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu, giảm 20% thuế thu nhập cho DN khi liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu thuộc loại đặc biệt ưu tiên. Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ có chế tài ràng buộc nông dân phải bán sản phẩm theo đúng hợp đồng cho DN, khuyến khích DN xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua nông sản đảm bảo có lợi bền vững cho nông dân.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát vừa ký ban hành Chỉ thị số 1965/CT-BNN-TT về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn".

Theo đó, đối với sản xuất lúa gạo: Vùng đồng bằng sông Cửu Long, định hướng xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" là tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa xuất khẩu chất lượng cao với lộ trình 3 bước: xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lớn", xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP. Các vùng khác mở rộng áp dụng đối với lúa gạo chất lượng cao để phục vụ thị trường trong nước là chủ yếu và một số thị trường nước ngoài yêu cầu gạo đặc sản, gạo Japonica; ưu tiên tập trung đối với vùng quy hoạch 300.000ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Hồng.

Đối với các cây trồng khác: Tổng kết các mô hình liên kết 4 nhà trên mía, bông, thuốc lá theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trên lúa để có cơ sở bổ sung, hoàn thiện các mô hình đang triển khai; xây dựng đề án cho năm 2013 và các năm tiếp theo nhằm mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", ưu tiên đối với cây trồng sản xuất hàng hóa tập trung như mía đường, càphê, điều, chè, rau quả an toàn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết rút kinh nghiệm các mô hình trên địa bàn; tham quan học tập các mô hình, cách làm hay của địa phương bạn; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung trên địa bàn. Tạo thuận lợi cho DN tham gia xây dựng "cánh đồng mẫu lớn"; phát triển các loại hình dịch vụ của hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN trong làm đất, cung ứng vật tư, gieo trồng, bảo vệ thực vật, tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng và hài hòa lợi ích giữa các bên…


Chu  Khôi

Theo Kinh tế nông thôn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,202

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]