Ngày 24/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 56/2023/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định tại Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu, đơn cử như:
Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục về con dấu theo quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16 và Điều 17 Nghị định 99/2016/NĐ-CP cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2016/NĐ-CP theo một trong các hình thức sau:
- Nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan đăng ký mẫu con dấu;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích;
- Nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (trừ các văn bản, giấy tờ không được phép đăng tải qua hệ thống mạng theo quy định của pháp luật).
Chính thức sửa Nghị định 99 về quản lý và sử dụng con dấu (Hình từ internet)
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thông tin, văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải ghi giấy biên nhận hồ sơ, ghi rõ ngày tiếp nhận hồ sơ, ngày trả kết quả và giao trực tiếp cho người được cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước cử đến liên hệ nộp hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo ngay và hướng dẫn để cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước hoàn thiện hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, cơ quan đăng ký mẫu con dấu phải có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về việc từ chối giải quyết hồ sơ.
Xem chi tiết tại Nghị định 56/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.