Bốn giải pháp chữa bệnh nợ Nghị định, Thông tư

01/08/2013 10:17 AM

Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm quá bất hợp lý, chỉ 7 triệu đồng cho thông tư, 24 triệu đồng với nghị định…

Ngày thứ hai của phiên họp Chính phủ (CP) thường kỳ cuối tháng (31-7), CP đã đánh giá toàn diện công tác xây dựng thể chế thuộc trách nhiệm hành pháp trung ương. Trong đánh giá này, tiêu chí quan trọng nhất là mức độ nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh - gồm nghị định của CP và quyết định của Thủ tướng.

 

Giữa năm 2013, nợ 108 văn bản

 

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam, cuối 2012, CP đã có tiến bộ vượt bậc khi chỉ còn nợ 27 văn bản - mức thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, đến giữa 2013, nợ đọng bùng phát trở lại, lên tới 108 văn bản. Chưa kể, trong số đã ban hành thì chỉ 14% đúng hạn, tức trước thời điểm luật, pháp lệnh có hiệu lực.

 

Khách quan mà nói, có lý do Luật Xử lý vi phạm hành chính   QH mới ban hành làm phát sinh yêu cầu xây dựng cùng lúc 54 nghị định hướng dẫn chi tiết. Nhưng thật nghiêm túc, như đánh giá của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, vẫn là do những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác xây dựng pháp quy của CP cũng như của các bộ.

 

 

Một số văn bản, quy định bất hợp lý, như phạt xe chính chủ, phạt mũ bảo hiểm giả, đưa tên cha mẹ vào CMND… tuy không nhiều nhưng gây phản ứng từ người dân. Trong ảnh: Người dân chen chúc đổi mũ bảo hiểm chất lượng tại TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Điều này được nêu rất rõ trong báo cáo của Văn phòng CP. Đó là sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong xây dựng pháp quy; chưa tuân thủ nghiêm túc quy chế làm việc của CP. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của cán bộ còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Một số bộ còn đưa cả những quy định lẽ ra nên ở thông tư, quyết định của cấp bộ vào dự thảo nghị định của CP, vừa làm phức tạp văn bản, vừa mất thêm thời gian, công sức nghiên cứu, soạn thảo.

 

Trăn trở thật lòng của bộ trưởng Y tế

 

Bộ Y tế, từng “đội sổ” về tình trạng nợ đọng văn bản, thừa nhận hết các yếu kém này. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ rằng việc dự thảo các nghị định, thông tư liên tịch rất vất vả do liên quan tới nhiều bộ. Bộ chủ trì gửi văn bản xin ý kiến các bộ liên quan rất lâu mới được trả lời. Chưa kể, trong mỗi bộ lại có tầng nấc (vụ trực tiếp theo dõi, thứ trưởng được phân công, rồi mới tới bộ trưởng) nên nhiều khi không thông suốt.

 

Mặt khác, nghị định CP ban hành đã chậm, song nhiều khi chưa thể vào cuộc sống ngay vì thiếu thông tư. “Chúng tôi tự kiểm tra, thấy chỉ riêng số thông tư mà Bộ Y tế phải làm đã rất nhiều, vắt chân lên cổ mới kịp. Trong số ấy, có những văn bản đặt ra từ hồi tôi còn làm thứ trưởng, giờ vẫn chưa thể ra. Có lý do là khó quá nhưng cũng có phần do mình còn hạn chế” - bà Tiến thẳng thắn.

Ngoài các nguyên nhân trên thì còn có những bất cập khác về chính sách. Chẳng hạn, kinh phí xây dựng văn bản quy phạm quá bất hợp lý, chỉ 7 triệu đồng cho thông tư, 24 triệu đồng với nghị định và không quá 200 triệu đồng với dự thảo luật. “Nói thật, anh em vì nhiệm vụ và nhiệt tình công tác mà làm chứ bồi dưỡng vất vả chẳng có gì” - bà Tiến trăn trở.

 

Nâng cao trách nhiệm và minh bạch

 

Đứng đầu bộ chuyên về pháp luật của CP, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Tiến. “xây dựng pháp luật là công tác khó khăn nhất. Đề nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với chúng tôi xây dựng thông tư liên tịch để hỗ trợ kinh phí cho công tác này” - ông kiến nghị.

 

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng thể chế, qua trao đổi với Bộ Tư pháp, Văn phòng CP đề xuất bốn giải pháp cấp bách.

 

Thứ nhất, đề cao hơn nữa trách nhiệm của CP, từng thành viên CP trong soạn thảo, trình văn bản. Các bộ cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên chỉ đạo, bố trí đủ nhân lực, kinh phí. Các dự thảo cần đi thẳng vào quy định chi tiết thi hành luật, hạn chế tối đa quy định biện pháp thi hành.

 

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có cách làm linh hoạt để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phối hợp liên bộ, ngành trong thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Vừa qua, Bộ Tư pháp có sáng tạo trong mô hình hội đồng tư vấn thẩm định các dự thảo nghị định về xử lý vi phạm hành chính, giờ cần mở rộng áp dụng cho các dự thảo nghị định khác.

 

Thứ ba, Bộ Tư pháp chủ trì cùng Văn phòng CP tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng văn bản của các bộ, ngành; kịp thời kiến nghị xử lý, tháo gỡ khó khăn. Thay vì sáu tháng, giờ phiên họp hằng tháng của CP sẽ có nội dung báo cáo về tình hình xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh.

 

Giải pháp cuối, rất mạnh mẽ, là công khai cụ thể tình trạng soạn thảo, trình văn bản hằng tháng của các bộ lên website của CP để tăng giám sát, tăng áp lực đổi mới.

 

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG:

 

Mỗi bộ phải có một thứ trưởng chuyên về pháp chế

 

Tham gia ý kiến làm rõ thêm, cũng là kết luận cho cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng trong năm 2012, CP và các bộ đã ban hành 900 văn bản với 12.000 điều về quản lý nhà nước. Trong số này, một số văn bản, quy định bất hợp lý, như phạt xe chính chủ, phạt mũ bảo hiểm giả, đưa tên cha mẹ vào CMND, ưu tiên điểm thi ĐH cho mẹ VN anh hùng... “Như thế không nhiều nhưng gây phản ứng từ người dân. Tôi đặc biệt lưu ý các bộ, ngành phải lưu tâm tới tính khả thi của văn bản” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Ông cũng nhắc các bộ, ngành phải tính toán kỹ về chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản; hạn chế tối đa việc đưa ra rút lại, thay đổi, xin hoãn, xin lui. Các bộ trưởng khi cử cán bộ tham gia ban soạn thảo cần chọn đúng người, đúng việc, “không thể nay ông này, mai ông kia thì chất lượng sao bảo đảm được”.

 

Đồng tình với các giải pháp mà Văn phòng CP, Bộ Tư pháp đề xuất, Thủ tướng lưu ý thêm là mỗi bộ phải bố trí một thứ trưởng chuyên chăm lo công tác xây dựng văn bản. Ông cũng nhất trí giao Bộ Tài chính cùng cơ quan liên quan sớm thảo thông tư liên tịch bảo đảm kinh phí cho công tác ban hành văn bản pháp quy. Những nội dung này sẽ được đưa vào nghị quyết phiên họp CP tháng 7 làm cơ sở thi hành.

 

NGHĨA NHÂN

Theo phapluattp.vn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,201

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]