Tăng thời gian hưởng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp
Từ ngày 11/08/2013, theo Thông tư 86/2013/TT-BTC, chế độ ưu tiên về hải quan cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chính thức được áp dụng.
Theo đó, chế độ ưu tiên này được áp dụng cho 3 loại doanh nghiệp: DN được ưu tiên trong XNK tất cả các mặt hàng, loại hình XNK (loại 1); DN được ưu tiên trong XK hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và NK hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa XK (loại 2); DN được cấp giấy chứng nhận là DN công nghệ cao được ưu tiên trong NK hàng hóa phục vụ sản xuất, XK sản phẩm công nghệ cao (loại 3).
Trong đó, DN ưu tiên loại 2 được bổ sung thêm các đối tượng xuất khẩu hàng hóa là dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Cũng theo Thông tư 86, thời hạn áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp là 24 tháng, tăng thêm 12 tháng so với quy định hiện hành.
Sau thời hạn này, Tổng cục Hải quan thực hiện đánh giá lại và thông báo trước 60 ngày từ ngày Quyết định công nhận DN ưu tiên hết hiệu lực để DN có đơn đề nghị gia hạn.
Nếu vẫn đáp ứng điều kiện quy định thì DN được gia hạn thêm từ 36 đến 60 tháng tiếp theo, trước đây chỉ được gia hạn 36 tháng.
Quy định mới về xử lý hình sự tội trốn thuế
Từ ngày 15/8, Theo Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn xét xử một số tội danh liên quan tới lĩnh vực thuế, tài chính- kế toán và chứng khoán sẽ chính thức có hiệu lực với một số nội dung đáng chú ý sau:
Đối với phạm tội trốn thuế trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác tại khoản 3 Điều 161 của BLHS
được hiểu là tuy số tiền trốn thuế từ 300 đến dưới 600 triệu nhưng đồng thời thực hiện một trong các hành vi liên quan về tội phạm độc lập mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tù từ hai đến bảy năm.
Ngoài ra, cũng theo TTLT 10, đối với tội danh “Thao túng giá chứng khoán” tại điều 181c BLHS sửa đổi 2009, vấn đề hậu quả của tội phạm được xác định là Gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 03 tỷ đồng trở lên.
Ngoài hậu quả về vật chất, tội này có thể gây ra hậu quả phi vật chất như gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Tăng mức phạt vi phạm trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Theo quy định tại Nghị định 64/2013/NĐ-CP, từ ngày 15/08, mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng và đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ cũng tăng mạnh so với trước đây: phạt tiền từ 10 - 20 triệu với hành vi kinh doanh dịch vụ chuyển giao công nghệ không đúng với nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phạt tiền từ 20 - 30 triệu nếu kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận, trước đây là 5-10 triệu và 10-20 triệu với hành vi tương ứng.
Bên cạnh đó, hành vi cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ sẽ bị phạt tiền từ 05 đến 15 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với mức trước đây.
Tuy nhiên, theo Nghị định 64, các tổ chức có hành vi vi phạm nói trên sẽ chỉ bị tước quyền sử dụng GCN từ 01 đến 03 tháng, ngắn hơn quy định trước đây là từ 12 đến 18 tháng.
Huỳnh Như
Ảnh: Internet