Nghị định 65/2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 23/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về:
- Việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp.
- Việc xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Đối tượng áp dụng của Nghị định 65/2023 hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ hoặc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm sau đây trong quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp:
- Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
- Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp.
- Tổ chức hệ thống cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
- Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp.
- Tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và thực hiện các thủ tục khác liên quan đến văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
- Thực hiện quyền bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quy định tại Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ.
- Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước và xã hội về sở hữu công nghiệp.
- Quản lý hoạt động giám định sở hữu công nghiệp; cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp.
- Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu công nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp.
- Tổ chức hoạt động thông tin, thống kê về sở hữu công nghiệp; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp.
- Tổ chức thực hiện giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu công nghiệp.
- Quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp; cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
- Hợp tác quốc tế về sở hữu công nghiệp; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và các quốc gia khác về sở hữu công nghiệp.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.
Nghị định 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/8/2023.