Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/10/2023 09:21 AM

Tôi muốn hỏi Thủ tướng đã chỉ đạo những nội dung gì nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ? – Minh Bình (Trà Vinh)

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 20/10/2023, Thủ tướng đã có Chỉ thị 26/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ

Theo đó, để khắc phục tình trạng trên, nhằm nâng cao trách nhiệm khi thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các nội dung dung sau:

(1) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Công điện 280/CĐ-TTg năm 2023, Công điện 968/CĐ-TTg năm 2023;

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ;

Trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

(2) Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định 43/2023/NĐ-CP. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ.

Thủ trưởng các cơ quan thanh tra tăng cường quản lý, chỉ đạo triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng quy định pháp luật về thanh tra. Đồng thời, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

(3) Bộ trưởng Bộ Nội vụ rà soát, tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ, nhất là đánh giá, nhận xét việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan nhà nước và cán bộ công chức viên chức;

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thi hành công vụ.

(4) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động công vụ và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ;

Trong đó, quan tâm tuyên truyền biểu dương các điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, có tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, phát hiện, góp ý, phê bình các cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.

(5) Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

(6) Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,328

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]