Căn cứ xác định cơ cấu ngạch công chức (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) quy định ngạch công chức bao gồm:
- Chuyên viên cao cấp và tương đương;
- Chuyên viên chính và tương đương;
- Chuyên viên và tương đương;
- Cán sự và tương đương;
- Nhân viên.
- Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Việc xác định cơ cấu ngạch công chức của từng cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành, địa phương được căn cứ vào:
- Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung do Bộ Nội vụ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn theo quy định tại Nghị định 62/2020/NĐ-CP;
- Mức độ phức tạp của công việc và số lượng biên chế công chức cần bố trí theo từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức chuyên ngành tương ứng với vị trí việc làm.
Khi xác định cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính thì không tính công chức đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý.
(Điều 2 Thông tư 13/2022/TT-BNV)
Cụ thể tại Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BNV quy định trình tự xác định cơ cấu ngạch công chức như sau:
- Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 13/2022/TT-BNV và căn cứ danh mục vị trí việc làm và số lượng biên chế công chức bố trí theo từng vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức mình để xác định tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch công chức theo từng chuyên ngành tại cơ quan, tổ chức, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phê duyệt cơ cấu ngạch công chức phù hợp với mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động của cơ quan sử dụng công chức.
- Bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tham mưu, giúp người đứng đầu thực hiện việc xác định số lượng ngạch công chức và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Căn cứ theo Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về chuyển ngạch công chức như sau:
- Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Công chức được chuyển ngạch phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển ngạch cho phù hợp.
- Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch.
Nâng ngạch công chức được quy định tại Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) như sau:
- Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.
- Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.
- Việc thi nâng ngạch, xét nâng ngạch phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
- Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.
Hồ Quốc Tuấn