16 trách nhiệm của chủ đầu tư trong hoạt động đấu thầu từ năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn, quản lý quá trình thực hiện dự án; đơn vị sử dụng ngân sách; đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm ngoài ngân sách nhà nước; đơn vị mua sắm tập trung.
Từ năm 2024, chủ đầu tư phải có các trách nhiệm sau đây trong hoạt động đấu thầu:
(1) Phê duyệt các nội dung sau đây:
- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp gói thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án, gói thầu đấu thầu trước; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án đã phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu;
- Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn;
- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Kết quả lựa chọn nhà thầu.
(2) Tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại (1).
(3) Ký kết hoặc ủy quyền ký kết và quản lý hợp đồng với nhà thầu; ký kết và quản lý thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung; thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng đã ký kết.
(4) Quyết định thành lập bên mời thầu với nhân sự đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu; trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu thì lựa chọn nhà thầu tư vấn đề làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số nhiệm vụ của bên mời thầu. Quyết định thành lập tổ chuyên gia đáp ứng quy định tại Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 trong trường hợp không thuê đơn vị tư vấn làm bên mời thầu.
(5) Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu.
(6) Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà thầu.
(7) Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
(8) Lưu trữ thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định Luật Đấu thầu 2023.
(9) Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu hằng năm.
(10) Hủy thầu đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023.
(11) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
(12) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu.
(13) Trường hợp chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu thì còn phải thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 79 Luật Đấu thầu 2023.
(14) Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng.
(15) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của thông tin đã đăng ký, đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi sử dụng chứng thư số của mình.
(16) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định Luật Đấu thầu 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Điều 78 Luật Đấu thầu 2023)
Đối với hoạt động đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc quản lý của mình thông qua các nội dung như sau:
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.
- Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
- Quản lý hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước.
- Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong đấu thầu và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định tại Luật Đấu thầu 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu.
- Hợp tác quốc tế về đấu thầu.
(Điều 83 Luật Đấu thầu 2023)