Điều đáng bàn, thực tế có không ít lái xe container “dính” nghiện đã góp phần gia tăng "hung thần" xa lộ. Theo nhiều chuyên gia giao thông nhận định, đây chính là thời điểm mà “cơn sốt” “chạy” giấy phép đang xảy ra.
Bao nhiêu xe sẽ bị khai tử”?
Theo kết quả kiểm tra mới đây của Bộ GTVT, tính đến tháng 7/2013, Sở GTVT TP.HCM mới cấp phép 98 doanh nghiệp với 1.016 xe/8.200 xe của 1.700 doanh nghiệp. Trước thực trạng này, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT TP.HCM kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý, thiếu đôn đốc, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bằng container.
Cũng như TP.HCM, Hải Phòng là thành phố có số lượng xe container nhiều nhất nhì trên cả nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 7/2013, chỉ có 9% trong tổng số trên 7.337 đầu xe container tại Hải Phòng thực hiện đăng ký và được cấp phép kinh doanh vận tải. Số còn lại dù không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mà không gặp trở ngại nào. Vấn đề này đã tạo áp lực căng thẳng và là nỗi ám ảnh về mất an toàn giao thông. Được biết, qua những chấn chỉnh bước đầu, tính đến ngày 15/9, có hơn 40% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng container thực hiện đăng ký và được cấp phép theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 18. Tuy nhiên, số xe đủ điều kiện được phép hoạt động chỉ có 1.500 chiếc. Vậy, sau ngày 1/10, chẳng ai có thể biết được hơn 5.800 xe sẽ đi đâu và được sử dụng như thế nào.
Đề cập đến thông tư trên, nhiều ý kiến lo ngại thực trạng lái xe container là những con nghiện thì sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Việc siết chặt quản lý phương tiện kinh doanh vận tải cũng đồng thời phải siết chặt tiêu chuẩn với lái xe.
Cách đây không lâu, ngày 16/8, cơ quan CSĐT - Công an TP. Hải Phòng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Toàn, 43 tuổi, ở số 95 Vạn Mỹ, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng về tội mua bán trái phép chất ma túy. Điều hết sức nguy hiểm, Toàn là "cò" chuyên làm dịch vụ chạy lệnh xuất hàng tại các cảng ở Hải Phòng cho lái xe container và "cung ứng" heroin cho các lái xe nghiện ma túy trong thời gian khá dài. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Theo các điều kiện của Thông tư 18 sẽ có rất nhiều xe không được đeo phù hiệu (Ảnh minh họa).
Từ vụ việc trên cho thấy, thực trạng lái xe "có vấn đề" (dính nghiện) không phải là chuyện hiếm gặp. Đây cũng là căn nguyên dẫn đến tình hình tai nạn giao thông gia tăng. Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo thực trạng lái xe container nghiện ngập. Những địa điểm đậu xe container như bãi Chùa Vẽ, Đoạn Xá, bãi Cảng 1, Cảng 3, dọc đường Lê Thánh Tông, chân cầu Niệm, chân cầu An Dương hàng đêm đều thu được rất nhiều kim tiêm, xi- lanh mà hầu như do đám lái và phụ xe sử dụng xong ném xuống. Những địa điểm đó là những khu vực quanh nhà hàng mà lái xe thường vào nghỉ ngơi, ăn uống, những con hẻm vắng người gần chỗ xe container đậu.
Thượng tá Trần Sơn- Cục Đường bộ Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong người có chất ma túy.
Quy định đã rõ, nhưng rất ít trường hợp bị xử lý mặc dù thực tế lái xe sử dụng ma túy là có thật. Thực tế là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông không ai có chuyên môn về y tế và cũng không có dụng cụ để kiểm tra lấy mẫu và cũng không có chế tài nào quy định việc kiểm tra đối với hành vi sử dụng chất gây nghiện đối với lái xe. Thượng tá Trần Sơn cho rằng, cần siết chặt việc tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ và đột xuất đối với lái xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe container... và cần loại ngay những tài xế sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển giao thông.
Thượng tá Trần Sơn cũng cho rằng, các cơ quan liên quan cần bổ sung những chế tài, điều kiện pháp lý cũng như trang bị kiến thức về y tế cho lực lượng chức năng để tiến hành kiểm tra, giám sát trên đường và quy trách nhiệm với chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng lái xe. Họ phải có nhiệm vụ kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với đội ngũ lái xe của mình.
Chủ xe kêu khó, chuyên gia mách nước
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ GTVT đưa ra Thông tư 18 chấn chỉnh lại hoạt động của các loại xe vận tải là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: Việc cấp phù hiệu cho xe container trong thời điểm này là hợp lý. Thông tư 18 sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý xe vận tải tốt hơn trong thời gian tới. Bởi trong thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ xe container gây tai nạn nhưng khi kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện đó là những chiếc xe tư nhân, không có giấy phép hoạt động.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Tình, chủ của 3 chiếc xe container ở TP. Hải Phòng cho biết, theo Thông tư 18, các điều kiện để chủ xe, doanh nghiệp được cấp phép rất gắt gao. Các chủ xe phải đáp ứng hàng chục tiêu chí. Bên cạnh đó, quy định đòi hỏi người trực tiếp điều hành doanh nghiệp phải có trình độ trung cấp vận tải trở lên, bãi đỗ xe phù hợp... Để đáp ứng hai yêu cầu này rất khó. Bởi vì đa số các chủ xe đều chỉ học hết phổ thông. Hơn nữa, hiện nay giá cả đất đai ở Hải Phòng rất đắt đỏ. Việc kiếm được bãi đỗ xe phù hợp không phải là chuyện đơn giản. Như vậy, khi Thông tư 18 đi vào thực tiễn sẽ có không ít xe không đủ điều kiện, bị treo bánh, biến thành "đống sắt vụn".
Về vấn đề sẽ có rất nhiều xe container không đủ điều kiện cấp phù hiệu đồng nghĩa với việc không được hoạt động, ông Thái Văn Chung hiến kế: "Nếu các chủ doanh nghiệp, chủ xe không có bằng cấp thì có thể thuê người đứng ra điều hành. Cơ chế thị trường là như vậy và bất cứ ai cũng có thể hiểu được. Về vấn đề bãi đỗ xe, nếu chủ xe, doanh nghiệp không có tiền đầu tư cũng có thể thuê lại để hoạt động tạm thời. Tuy nhiên, nếu điều kiện quá khó khăn, không đủ điều kiện thuê người điều hành hoặc bãi đỗ xe thì các chủ xe hãy liên doanh với nhau tạo thành hợp tác xã hoặc liên minh thành lập các pháp nhân tập thể mới chuyên ngành vận tải hàng hóa. Lúc này, các xe sẽ có đủ điều kiện để cấp phù hiệu".
TS. Khuất Việt Hùng, vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: "Vụ Vận tải chính là cơ quan tham mưu và trình lên Bộ trưởng bộ GTVT về Thông tư 18. Sau khi được đưa ra, Thông tư cũng đã nhận được rất nhiều sự phản hồi tích cực từ phía người dân. Thực ra, Thông tư này bổ sung cho Nghị định 91 đã áp dụng 4 năm qua. Không phải quy định này đưa ra thì từ 1/10 sẽ có hàng ngàn xe container không được hoạt động. Trước đây, 2009, rất nhiều xe tải, container đã không đủ điều kiện vận hành theo Nghị định 91. Tuy nhiên, do các địa phương buông lỏng quản lý, các sở GTVT các tỉnh không làm tốt nên các xe tư nhân, không đủ điều kiện vẫn hoạt động.
Vương Chân
Theo Người đưa tin